cùng gia súc. Họ có phòng ngủ, có phòng ăn, có tủ lạnh cất thịt tươi,
có nơi giữ rượu, có nhà thờ, có cả nhà chứa xác.
Khi xưa, dân cư nơi này sống trên mặt đất là chính, chỉ khi có biến
mới xuống thành phố ngầm. Nhưng để chắc chắn rằng cả bộ lạc có thể
sống trong thời gian dài dưới này, họ đã phải thiết kế để có thể sống
đầy đủ như trên mặt đất. Đặc biệt là hệ thống ống thông hơi để tránh
cho nơi này bị bí bách, ẩm thấp. Mỗi cột khí chòi lên cao là một cột đá
mảnh khảnh, họ gọi đó là các fairy chimney. Đó là niềm tự hào của
dân Cappadocia. Ai mà biết được bình địa lưa thưa vài cột đá lại ôm
trong lòng cả một thành phố hoành tráng, đủ đầy bên dưới. Điều duy
nhất gây khó chịu của thành phố ngầm là đường vào quá bé và tối.
Vào ngày thứ Bảy nắng nôi như ngày hôm nay, thực sự là khủng
hoảng lượng người, tắc đường lên xuống đến nỗi ai cũng than trời,
nhất là khi chúng tôi đang dấn bước đi lên thì phía trên vọng xuống:
“Tránh đường cho bà bầu”.
Rời khỏi chỗ ẩn nấp mát mẻ, xe bus lại lăn bánh long sòng sọc,
bụng đứa nào cũng kêu òng ọc. Đói mờ mắt mà anh Mì Tôm còn bắt
đi bộ 3km qua thung lũng Ihlara chỉ vì: “Nó đáng xem và chúng mày
có một bữa trưa ngon tuyệt đang đợi ở cuối con đường”. Thung lũng
Ihlara có màu đỏ quạch, được tạo nên bởi bụi núi lửa, giống như đất
đỏ Balzan xứ mình. Hai bờ vách dựng đứng, bị cắt gọt ngọt lịm thành
những đường gồ ghề ra vào giống như bậc thang. Giữa thung lũng,
con suối chảy lí lắc qua bãi đá sỏi và những hàng cây xanh. Anh Mì
Tôm dẫn cả hội vào những ngôi nhà thờ được đục trong vách đá.
Riêng thung lũng này đã có tới vài trăm nhà thờ, được xây dựng từ hồi
Early Christian (thời Kitô giáo nguyên thủy), từ hồi con người còn mộ
đạo và nhiều niềm tin. Mãi sau này khi dân Ả Rập tới thì nhà thờ mới
tan hoang, tiêu điều, hoang phế thế này. Những nhà thờ ở tít trên cao
nằm im lìm cạnh những hốc đá vuông thành sắc cạnh. Họ bảo hốc đó
do con người khoét ra để làm tổ cho bồ câu.