Tôi chỉ cần nhìn sự điềm nhiên của bà ấy là đủ chán điên người. Bà
ấy càng tự tại, tôi càng giận; tôi cần xe chạy, đêm đã khuya lắm rồi, tôi
thèm một chỗ ngủ. Cái dáng vẻ trịch thượng, vắt chân tréo, đọc sách
tỉnh queo, không cần biết xung quanh làm tôi nóng ruột. Làm sao có
thể ngồi đọc sách, khi mà xe có thể chạy bất cứ lúc nào nhỉ? Tôi vẫn
thường đọc sách trên tàu, nhưng cứ vài giây lại ngước lên một lần để
tin chắc mình không đi quá bến. Vậy mà quý bà váy đen ấy không
ngước lên dù chỉ một lần để kiểm tra. Cái cốt cách tự tin ấy làm tôi
dấy lên cảm giác ghen tị, thèm muốn. Bà ấy tầm năm mươi tuổi đẹp,
sexy, thời thượng, hiện đại, trí thức, và rất tự tin. Khi bà ấy gấp sách,
bác tài liền xuất hiện, xe chạy. Tôi nhích vào ghế trong, hy vọng người
đàn bà ấy sẽ ngồi cạnh. Bà ấy ngồi hàng đối diện, cũng cạnh cửa sổ,
nhìn ra ngoài.
Có gì trong đôi mắt nâu ấy nhỉ? Ánh sáng đèn đường hay những nỗi
muộn phiền của người phải quẩn quanh trong đêm. Tôi không biết bà
ấy nghĩ gì, cũng chẳng biết bà ấy là ai, vẫn đánh liều bắt chuyện. “Bác
có di động không? Cho cháu mượn gọi cho bạn với, điện thoại cháu
hết tiền”. Bà ấy quay lại nhìn tôi, ngạc nhiên, rồi lắc đầu: “Tôi không
có”. Cái lắc đầu của dân thành thị sao đáng sợ thế. Tôi lùi lại, thấy kỳ
lạ, một người hiện đại như thế lại không có điện thoại là sao? Và giờ
đây, khi đứng giữa Taksim, thái độ lạnh lùng như thạch sùng đúng
kiểu dân Istanbul mà anh Can vẫn dọa ấy lại hiện về. Thật chán!
Xung quanh quảng trường có cả tá người lố nhố, một giờ đêm rồi
mà thành phố này không thèm ngủ. Gái trai cười rinh rích từng nhóm
nhỏ, người đi lại mua bán trong con đường thương mại gần đó vẫn
đông vui. Họ vui vẻ, họ thoải mái, họ tận hưởng đêm hè đã bớt oi ả.
Tôi chạy tới vài người nhìn lương thiện nhất để hỏi mượn điện thoại,
ai cũng lắc đầu nguây nguẩy: “Tao không dùng di động”. Tôi mếu
máo, chạy tới xe công an, lò đầu vào hỏi anh lái, anh không cho mượn,
chỉ chỉ đường ra quầy mua thẻ điện thoại công cộng. Kể cũng lạ, ở đất