Tôi đi chợ
N
gười ta ai cũng trải qua các giai đoạn: bé, lớn và già. Điều đó tương
đương với việc: đi học, đi chợ, và đi chơi. Nhỏ thì phải học cho giỏi.
Giỏi để biết cách kiếm tiền đi chợ. Đi chợ để nuôi thân và nuôi con.
Con khôn lớn để nhàn nhã đi chơi. Mỗi giai đoạn chiếm 20 năm là hết
cuộc đời. Đi chơi sướng, đi học cũng không khổ, chỉ có đi chợ là mệt
mỏi, gian nan. Ý tôi không chỉ ở việc tham gia chợ lao động, kiếm tiền
đi chợ, mà thực sự đi chợ đúng nghĩa đã là cực hình. Nay ăn món gì?
Mai ăn món gì? Bố nó thích nhắm gì? Mẹ nó muốn húp canh gì?
Thằng cu ăn gì thì lên cơ? Con gái ăn gì để giảm cân? Mẹ chồng liệu
răng còn khỏe? Cứ thế mỗi cuộc đi chợ là một lần cân não.
Chợ, mới nghe từ đó thôi đã thấy nhộn nhạo. Từ những chợ lớn như
Chợ Lớn, Đồng Xuân, cho tới những chợ nho nhỏ len lỏi theo các
đường tàu, hoặc dọc cái ngõ phố Hà Nội đều có đời sống riêng, được
tạo nên từ những tiếng rao hàng, mặc cả, hay số phận những con
người ở đó. Như cái ngõ chợ Dịch Vọng nhỏ xíu ấy, cô Thủy bán rau,
người còm cõi mới bốn mười tuổi mà như bà già sáu mươi, có ông
chồng nghiện rượu, đã kịp lên chức bà ngoại vài năm rồi. Cô ốm đau
liên miên, bán hàng xởi lởi ai cũng thương, cũng cho. Cạnh cô, một
người đàn bà bán rau khác, hằn học, ghê gớm, có đứa con gái mười
lăm tuổi bỏ nhà đi, mười bảy tuổi về trên tay bế một đứa trẻ. Còn bà
hàng bún bị đau lưng kinh niên, vẫn miệt mài ngồi bán, cố gắng trả nợ
cho chiếu bạc. Đấy, cái chợ nào cũng thế, những lời qua tiếng lại,
những lời ong tiếng ve, ghen ghét có, mà yêu thương cũng có.