Thảo, anh khác thì lừa mua đống kẹo delights lúc thử thì ngon mà khi
về mở ra toàn thấy đường cục. Nhưng bù lại tôi đã tán được anh khác
bán cho đôi giày mầu hồng nhạt, xỏ dây cói thật dễ thương với cái giá
đáng yêu vô cùng. Vậy là tôi có thể tung tăng tung tẩy đi khắp Bazaar.
Tôi thích cuộc sống ở chợ, nó phản ánh được một phần xã hội dung
thứ nó. Có vài cuốn sách có ưu ái dành riêng chỉ viết về Grand Bazaar
và cuộc sống lam lũ của tiểu thương nơi đây, rất thú vị. Uống một ly
trà Thổ, ăn một chút hạt khô, rồi họ uốn lưỡi vài lần để chèo kéo, thế
là khu chợ cựa mình.
Cái chợ lớn này chỉ bán cho khách du lịch và người lao động. Tầng
lớp cao như Godze hay em gái cô ấy thì ở Istanbul tới mười năm cũng
không biết Grand Bazaar là cái gì. Cũng như chợ Khan Al Khali ở
Cairo, đó là một cái nồi súp thập cẩm thú vị chứ còn gì nữa. Từ quần
áo, đồ ăn, tới đồ lưu niệm đều có thể dễ dàng tìm thấy ở đây. Cùng hét
giá như nhau nhưng dân Ai Cập thì khéo mồm hơn chút, khiến người
ta dễ thở và dễ thích. Tôi thích những vụ trả giá cho có ấy. Không hẳn
sợ mình bị thua thiệt, nhưng không trả giá thì không chịu nổi. Trả giá
là cách vui vẻ, thú vị nhất để liên hệ với những con người thổ địa.
Không giống như ở Việt Nam, khi trả giá luôn phải dè chừng kẻo bị
chửi trước mặt, đốt vía sau lưng. Ở đây những cuộc ngã giá diễn ra
thân thiện, hòa bình, đầy những nụ cười và những câu nói hóm hỉnh.
Câu đầu tiên của một anh bán hàng ở Khan Al Khali luôn là: “Em à,
em tên gì? Từ đâu đến? Khách sạn ở đâu”, “À Việt Nam hả, chào
mừng, chào mừng” rồi nhoẻn miệng cười thật tươi, liếc mắt qua lại rất
dễ thương. Hoàn cảnh tạo nên con người. Người bán hàng dễ thương
thì mình cũng tự động ngọt ngào đáp lại, như kiểu: “Cô bạn em dễ
thương vậy thì anh phải giảm giá chứ” hay “Em biết anh tốt, thế thì
anh giảm giá cho em đi”, “Em biết giá là phải thế, nhưng đó là cho
thằng bạn em, cho em thì phải khác chứ” hoặc “Thôi bác giữ lấy mà
bán, cháu xin lỗi vì đã làm tốn thời gian” rồi giả vờ ra đi, là các bác