Ngày bé xíu, cậu vẫn hay đưa tôi ra chợ. Hồi đó, người yêu giờ là
vợ cậu có sạp hàng ở đấy. Tôi cũng không nhớ gì nhiều, chỉ nhớ mỗi
lần ra, cô hay mua bi zon zon cho ăn. Bi zon zon đựng trong gói giấy
như cái phễu, cuộn từ giấy viết của học sinh, hoặc giấy báo, phảng
phất mùi vanilla. Vị giòn ngon mà tới tận bây giờ còn thổn thức. Ngày
xưa dì tôi cũng bán hàng ở chợ. Dì có cái sạp lagim, bán đủ thứ kim
chỉ, đá lửa, phéc mơ tuya, cho tới quần áo trẻ em và đồ lót phụ nữ. Cái
sạp của dì ở ngay đầu chợ Điện Biên, chỉ cần ra khỏi bãi gửi xe là
thấy. Người ta muốn vào trong chợ phải đi qua cái lối hẹp hẹp, toàn
mùi quần áo Trung Quốc của sạp dì và sạp bác Tuyết đối diện. Hồi đó,
tôi học lớp Một ở trường tiểu học Điện Biên. Sau giờ học mà mẹ chưa
đón, lại hay chạy ra chợ, ngồi đong đưa ở sạp dì, đợi mẹ tới. Dì chịu
thương chịu khó mà số mãi không giàu lên được. Không giàu nhưng
thảo tính, cháu chắt thích gì là lấy, tới là cho ăn, nên đến sạp hàng của
dì rất thích. Tôi hay qua nên cũng biết vài người, vài bác bán lagim
giống dì, vài bác bán vải may áo cho mẹ, cả bác bán bánh khoái hay
mấy cô bán tôm. Trong khu chợ đấy, người ta truyền miệng nhau về
những mảnh đời kỳ lạ, dang dở, và thiếu thốn.
Cuộc sống ở chợ phức tạp, nhiều mùi, nhiều vị, nhiều khi phải tránh
xa.
Tôi đã gặp sự đa dạng mùi vị đó ở Grand Bazzar thuộc Istanbul. Cái
Bazaar này đã hân hạnh được anh James Bond lao xe máy xuống, sụt
cả trần, vỡ cả gạch lát trong bộ phim bom tấn “Sky fall”. Nếu không
có anh thì Bazaar này cũng đủ lộn xộn rồi. Những hàng khăn lụa sặc
sỡ, những con mắt quỷ dữ ở khắp nơi, hàng đèn hay đồ nhôm sáng lóa,
hàng bán kẹo gôm thơm lừng, những hũ đựng đầy hạt dẻ, hạt hướng
dương, còn trà đen, trà nhài ăm ắp chực rơi khỏi bồ. Chỉ nhìn qua chợ
sẽ tưởng rằng cuộc sống ở đây sung túc lắm. Dân bán dẻo mỏ vô cùng,
họ biết cách lôi kéo, tâng bốc, vuốt ve thật khéo léo. Tôi cân nhắc mãi
cuối cùng vẫn bị một anh lừa mua hai cái khăn lụa cho mẹ và chị