thành tiếng, đến lúc ấy nó trở nên thật điên rồ, nhất là vào ngày tôi phải
thuật lại tất tật cho viên sĩ quan cảnh sát tới nhà chúng tôi. Tôi kể cho ông ta
mọi chuyện đã xảy ra, thậm chí cả về con vật kia, trong khi ông ta ngồi gục
gặc đầu ở mé bên kia cái bàn bếp, chẳng ghi gì vào cuốn sổ gáy xoắn của
mình. Khi tôi kể xong, tất cả những gì viên cảnh sát nói là, “Tuyệt lắm, cảm
ơn”, rồi quay sang bố mẹ tôi hỏi liệu tôi đã được đưa đi gặp ai chưa”. Làm
như tôi không biết ngụ ý của ông ta là gì. Tôi nói với ông ta là tôi còn một
lời khai nữa, rồi giơ ngón tay thối lên và đi ra ngoài.
Lần đầu tiên sau nhiều tuần, bố mẹ quát tôi. Thực nhẹ nhõm biết bao - cái
âm thanh quen thuộc ngọt ngào đó. Tôi gào lên đốp lại bằng những lời lẽ tệ
hại.
Rằng hai người họ vui vì ông nội Portman đã chết. Rằng tôi là người duy
nhất thực sự yêu ông.
Tay cớm và bố mẹ tôi trò chuyện một hồi ngoài lối chạy xe, rồi sau đó
tay cớm lái xe đi, một tiếng sau quay lại cùng một người đàn ông tự giới
thiệu là họa sĩ vẽ ký họa. Ông này mang theo một giá vẽ to và yêu cầu tôi
mô tả lại con vật kia, và trong khi tôi kể, ông họa sĩ phác họa lại nó, thỉnh
thoảng lại dừng tay để hỏi cho rõ hơn.
“Nó có mấy mắt?”
“Hai.”
“Hiểu rồi”, ông họa sĩ nói, cứ như thể những con quái vật là chủ đề hoàn
toàn bình thường của một họa sĩ ký họa làm việc cho cảnh sát.
Khá rõ ràng, đây là nỗ lực nhằm xoa dịu tôi. Hành động rõ ràng nhất là
khi người họa sĩ cố gắng đưa cho tôi bản phác họa hoàn chỉnh.
“Chú không cần cho cái này vào hồ sơ của chú hay sao đó à?” tôi hỏi ông
ta.
Người họa sĩ nhướng mày lên trao đổi với viên cảnh sát. “Tất nhiên rồi.
Không biết chú nghĩ gì vậy nhỉ?”
Quả là một sự sỉ nhục rõ rành rành.