Lý Vấn hiếu kỳ hỏi, “Đệ chưa nghe bao giờ, Cửu ca kể đi, xem xem Cửu ca
và đám người kể chuyện kia ai kể hay hơn.”
Trong tiếng cười của mọi người, Lý Nhuế liền ngồi ngay ngắn lại, rất ra
dáng người kể chuyện, đằng hắng một tiếng rồi nói, “Được, vậy ta kể từ
đầu. Còn nhớ năm sáu năm trước, một hôm sẩm tối bộ Hình chợt nhận
được tin ở phường Hưng Đức có người phụ nữ treo cổ tự tử. Ngỗ tác đến
hiện trường xem xét, thì ra là một tân nương, nghe nói hôm trước cãi cọ với
lang quân rồi một mình chạy ra ngoài, bực bội cả ngày trời, tối về đến nhà
liền nghĩ quẩn.”
Cẩm Nô che miệng tròn mắt xuýt xoa, “Nữ tử trên đời thực cạn nghĩ, đúng
là khiến người ta vừa thương vừa giận.”
“Đúng thế, ngỗ tác khám nghiệm tử thi xác định nguyên nhân tử vong là do
treo cổ, bộ Hình cũng chuẩn bị đóng vụ án lại theo chiều hướng như thế.
Bấy giờ Hoàng Mẫn là thị lang đương nhiệm ở bộ Hình, tới nơi để điều tra
kết luận. Hoàng Tử Hà mới mười một mười hai tuổi cũng theo đến căn nhà
xảy ra vụ việc, cùng huynh trưởng đứng ở ngoài đợi cha về. Người dân
Trường An ưa náo nhiệt, thấy có án mạng xảy ra liền xúm đông xúm đỏ lại
xem. Tay bán vải nói, tân nương nhà này lúc xuất giá không mặc áo may
bằng vải gã bán nên màu áo cưới không được tươi, mới dẫn đến thảm kịch
này. Người bán trang sức thì kể rằng chiều nay tân nương kia còn đặt đánh
một cặp trâm bạc ở tiệm mình, hỏi chồng cô ta có muốn lấy nữa không.
Thầy tướng lại bảo từ lâu mình đã tính được nhà này năm nay sẽ có việc
hiếu việc hỉ, chỉ tiếc họ không tìm tới lão… Cứ thế nhốn nháo hết cả lên.
Đến khi Hoàng Mẫn sắp hạ bút kết luận, chợt Hoàng Tử Hà gọi vọng vào,
‘Cha ơi! ’”
Nói đến đây, Lý Nhuế khẽ đằng hắng, đoạn đưa mắt nhìn khắp mọi người
trong phòng, hệt như một người kể chuyện chính hiệu, “Các vị, có ai biết
Hoàng Tử Hà gọi cha mình làm gì không?”