Dọc đường, họ đi theo đường cái, đã đến thành Hách Đồ A Lạp sớm hơn
bọn Lục Kiều Kiều cả năm sáu ngày, có điều sau khi vào thành tấn kiến, An
Thanh Nguyên lại vấp phải một vấn đề khác.
Vốn dĩ quân đội trông coi hoàng lăng qua các đời đều là hoàng thân quốc
thích có quan hệ rất gần với hoàng đế, là người hoàng đế tin tưởng nhất, tuy
quyền lực của các quan viên cầm quân không cao, song tước vị và kiểu cách
không hề nhỏ, một hàng dài đều là hoàng tộc người Mãn, dù chức quan nhỏ
hơn An Thanh Nguyên, nhưng thể diện lại lớn hơn y nhiều. Thêm vào đó,
thành Hách Đồ A Lạp là đất khai quốc khởi nguồn của triều Thanh, những
người trong hoàng tộc trấn thủ ở đây càng quyền cao chức trọng, cao quý
khôn xiết. An Thanh Nguyên thân là người Hán, tuy làm đến quan nhị
phẩm, song ở nơi này còn không bằng một tên quan giữ thành ngũ phẩm
người Mãn.
An Thanh Nguyên dùng hết tình đến lý, liên tục thuyết phục các thành
viên hoàng gia trong thành về ảnh hưởng của việc trảm long đến khí số triều
Thanh, cũng như nguy cơ thiên tai không thể lường hết xảy ra với núi
Trường Bạch, nhưng họ chỉ cười cho qua.
Thì ra, từ thời nhà Minh, để phá hủy long mạch trong núi Trường Bạch
của người Mãn, các hoàng đế Trung Quốc đều đã từng phái thuật sĩ phong
thủy đến trảm long, cho tới hôm nay, trong núi Trường Bạch đã nhan nhản
những dãy núi bị đào ngang, tạo thành đường rãnh vừa dài vừa rộng, những
dãy núi bị đào đứt thế này có chung một cái tên, gọi là núi Long Đầu.
Tương truyền năm xưa muôn núi đều đứt đoạn, chỉ còn lại một ngọn núi
Khải Vận không có gì nổi bật. Sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích an táng tổ tiên ở
đây, người Mãn liên tiếp đánh thắng người Hán, quân đội đánh thẳng đến
dưới chân Trường thành.
Các nhân vật hoàng gia trấn thủ thành Hách Đồ A Lạp cho rằng: nếu trảm
long thực sự hữu hiệu thì long mạch trên núi Trường Bạch đã đứt từ lâu,
quân Bát Kỳ cũng bị tiêu diệt sạch từ sớm, bởi vậy chuyện trảm long chỉ là
chuyện cười; huống hồ dù mấy tên người Hán muốn tới trảm long, cũng
không đào đứt được hố sâu long mạch, miễn là chúng không tấn công vào