Một trở ngại lớn nhất, rất tàn bạo và cũng rất bất ngờ đã ập đến buộc đám
cưới phải hoãn một lần nữa và không biết hoãn đến bao giờ. Chỉ còn một
tuần nữa thì đến ngày cưới bỗng nhiên vào lúc nửa đêm Rêmêđiôt thức dậy
miệng nôn trôn tháo, người ướt sũng những thứ từ trong bụng thải ra còn
nóng hôi hổi, và sau ba ngày thì chết vì nhiễm độc bởi chính thứ máu mình
và trong bụng mang cái bào thai sinh đôi. Amaranta tự mình dằn vặt lương
tâm. Cô đã quá nhiệt tâm cầu xin Thượng đế một cái gì khủng khiếp sẽ xảy
ra để mình khỏi phải đầu độc Rêbêca và do đó cô cảm thấy mình có tội
trước cái chết của Rêmêđiôt. Đó không phải là cái trở ngại mà cô cầu
mong. Rêmêđiôt đã mang về nhà này một luồng gió mới đầy vui vẻ. Cô
cùng chồng chuyển ra ở trong phòng ngay cạnh xưởng kim hoàn và cô đã
lấy tất cả búp bê và đồ chơi tuổi ấu thơ trang trí phòng ở và sức sống tươi
trẻ của cô tràn ra ngoài bốn bức tường để như một luồng gió mát thổi qua
hành lang bày những chậu thu hải đường. Ngay từ lúc thức dậy cô đã hát.
Cô là người duy nhất trong nhà đã dám can ngăn những cuộc đấu khẩu giữa
Rêbêca và Amaranta. Cô đã gánh vác nhiệm vụ săn sóc cụ Hôsê Accađiô
Buênđya. Cô mang cơm cho ông bố chồng, tận tình có mặt hầu hạ lúc cụ ỉa
đái tắm rửa cho cụ bằng xà phòng và bã cọ, giữ sạch bộ râu, mái tóc khỏi
sự hành hạ của chấy rận, bảo vê tất túp lều lá cọ và tu bổ nó vào thời kỳ
mưa bão. Ở những tháng cuối cùng của đời mình, cô đã giao tiếp được với
cụ qua những câu latinh đơn giản. Khi đứa con trai của Aurêlianô với Pila
Tecnêra ra đời, được mang về nhà và được làm lễ đặt tên là Aurêlianô
Hôsê, thì Rêmêđiôt quyết định công nhận chú nhóc là đứa con đầu lòng của
mình. Tình cảm người mẹ của cô khiến Ucsula rất đỗi ngạc nhiên. Về phần
mình, Aurêlianô gặp ở cô lời biện minh tối cần thiết cho cuộc đời mình.
Anh làm việc cả ngày trong xưởng và Rêmêđiôt mang đến cho anh một
tách cà phê không pha đường vào giữa buổi sáng. Đêm nào cũng vậy, bọn
họ đến thăm vợ chồng Môscôtê. Aurêlianô mê mải đánh đôminô với bố vợ
trong lúc đó Rêmêđiôt nói chuyện vui với các bà chị và đàm đạo với mẹ về
những vấn đề của người lớn. Mối quan hệ chặt chẽ với gia đình Buênđya đã
củng cố thêm quyền lực của đông Apôlina Môscôtê ở trong làng. Trong
những chuyến lên tỉnh thường xuyên, ngài đã xin được chính phủ cho mở