“Cháu có biết tiếng vỗ tay nhìn như thế nào không?*
Milo lắc đầu.
“Thử mà xem,” bà giục.
Cậu vỗ tay một cái, và một tờ giấy trắng tinh rơi xuống sàn. Cậu vỗ tay
thêm ba lần nữa, và ba tờ giấy nữa rơi xuống. Thế là cậu liền vỗ tay liên hồi
kỳ trận, và vô số giấy rơi lả tả xuống, tràn ngập xung quanh.
“Rất đơn giản phải không? Mọi âm thanh khác cũng đều như vậy. Nếu
nghĩ kỹ thì cháu sẽ biết ngay mỗi âm thanh có hình thù ra sao. Ví dụ như là
tiếng cười chẳng hạn,” bà nói rồi cất tiếng cười vui vẻ, và hàng nghìn những
chiếc bong bóng đủ màu sắc bay lên rồi lặng lẽ vỡ ra. “Hay là các bài diễn
văn,” bà nói tiếp. “Có bài diễn văn rất nhẹ nhàng và vui vẻ, một số khác lại
sắc nhọn, nhưng ta e là phần lớn chúng đều nặng nề và tẻ nhạt.”
“Thế còn âm nhạc thì sao ạ?” Milo phấn khích hỏi.
“Ngay đây này – chúng ta dệt nên chúng trên khung cửi. Các bản nhạc
giao hưởng là những tấm thảm lớn đầy màu sắc, được dệt lên bởi các nhịp
điệu và hòa âm. Các bản công xéc tô là thảm thêu, còn các cuộn vải kia là
những bản dạ khúc, điệu van, khúc dạo đầu, và khúc cuồng tưởng. Và chúng
ta còn có cả một số các bài hát cháu thường hay hát nữa,” bà nói, giơ ra một
túm khăn tay nhiều màu rực rỡ.
Bà ngưng lại một lát rồi buồn bã tiếp tục, “Ở góc kia chúng ta còn có
một chỗ chuyên để đổ âm thanh đại đương vào vỏ ốc. Thời xưa ở đây thật
vui biết bao.”
“Thế sao bây giờ bà không tạo ra âm thanh cho mọi người nữa ạ?” cậu
hét lên, vẻ sốt sắng đến nỗi Người Bảo Hộ Âm Thanh giật mình bật lùi lại.
“Đừng hét lên như thế chứ, cậu bé! Nếu ở đây có gì chúng ta cần nhiều
hơn, thì đó là ít âm thanh hơn. Giờ hãy đi với ta và ta sẽ kể hết mọi chuyện
cho cậu nghe – mà bỏ cái đó xuống ngay!” Câu này thốt lên là vì Milo đang
cố nhét một cục bông tiếng trống vào túi quần.