người dân Đông Nam Á đã kinh qua những thử thách mới từ chiếc bánh
bằng bột-lọc-trộn-thủy-tinh ngoài phủ kem hồng của Mạc Tư Khoa đến
những đồng đô la tuy thơm mùi giấy nhưng bên trong đã được tẩm sẵn vi
trùng đồi bại ở bên kia Thái Bình Dương. Những kinh nghiệm bằng máu và
nước mắt ấy đang chói lên từ nội tâm những kẻ có ý thức và sẽ là ánh lửa
làm phản tỉnh những phần tử còn mê lòa trong ảo vọng nương nhờ ngoại
viện. Tuy nhiên, cho đến khi giác ngộ đủ triệt để ngõ hầu chuyển hoá thời
cơ, nhân dân Đông Nam Á nhất là nhân dân Việt, vẫn còn tiếp tục phải
hứng chịu những đòn thù từ đôi bên quật xuống.
Thành ra cái tính chất khai phóng trong việc tiếp nhận các tư trào mới nếu
đã làm cho Đông Nam Á trở thành nơi đúc kết tinh hoa của tư tưởng loài
người, thì trên thực tế cũng đã là mối họa triền miên có tính cách lịch sử,
lúc âm ỉ, khi bộc phát, luôn luôn treo trên đầu nhân dân Đông Nam Á: đó là
nhu cầu bành trướng quyết liệt của Trung Hoa về phương Nam. Nhu cầu ấy
từ lâu đã trở thành quốc sách và dù cho Trung Hoa có ở trong chế độ quân
chủ, dân chủ, tư bản hay độc tài cộng sản, mưu đồ Nam tiến vẫn được tiếp
tục duy trì, tuy chiến lược có thể thay đổi, mỗi thời một khác.
Bàn tiếp đến cái mà chúng tôi gọi là vị trí định mệnh, nếu đứng trên bình
diện nhân văn, chúng tôi đã nghĩ đến hình ảnh cái lò pha trộn các món văn
hoá, thì đứng trên bình diện nhân chủng, chúng tôi lại thấy hình ảnh cái hồ
lớn nằm kề lục địa Đông Á để hứng lấy và bao bọc tất cả những bầy cá bị
săn đuổi từ các dòng suối dòng sông tản lạc về: chúng tôi muốn nói tới các
bộ tộc Bách Việt qua nhiều đợt nam thiên dưới áp lực của Hán tộc.
Ngày nay, xét về xã hội Người tại Đông Nam Á, những nhà nghiên cứu
nhân chủng không khỏi ngạc nhiên khi thấy một khu vực có vẻ hỗn tạp nhất
nếu nhìn thoáng qua bên ngoài, lại cũng là nơi tương đối rất thuần nhất nếu