nhưng với tính cố chấp sẵn có, Sihanouk đã đáp lại bằng cách tố cáo Thành
là kẻ thù của quốc vương, của chính phủ, của nhân dân, và dồn Thành vào
cái thế phải tiếp tục chống lại Sihanouk tới cùng.
Về đảng Dân Chủ, Sihanouk nhận thấy ảnh hưởng vẫn còn rất mạnh, nên
một mặt ông ta cứ lần lữa trì hoãn tổ chức bầu cử, mặt khác ông ta cho cựu
thủ tướng Yem Sambaur đứng ra quy tụ các đảng phái thân chính phủ lại
thành Liên minh Sahapak (Liên Minh Thống Nhất) để dễ bề đương đầu.
Liên minh Sahapak là tổ chức tập hợp các cựu đảng Tự Do, Dân Chủ Tiến
Bộ, Khmer Phục Hưng, Chiến Thắng Đông Bắc và Canh Tân Quốc Gia;
nhưng các đảng nhỏ này vốn quá yếu không có bao nhiêu quần chúng đảng
viên, nên Liên minh tập hợp cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn là tan
rã.
Rõ ràng những cận thần của Sihanouk không có người nào vượt trổi lên, đủ
uy tín để quy tụ quần chúng. Cuối cùng Sihanouk đành nhào hẳn vào cuộc
ganh đua ảnh hưởng bằng cách thoái vị, nhường ngôi cho cha là Norodom
Suramarit (đầu tháng 3 năm 1955) để có thể bước ra hoạt động chính trị
như một chính khách mà không hại gì đến uy tín hoàng gia.
Cuối tháng 3 năm 1955, Sihanouk công bố việc thành lập Tập Đoàn Xã Hội
Nhân Dân (Sangkum Reastr Niyum). Tập đoàn này vẫn được gọi tắt là
đảng Sangkum; dù theo Sihanouk, đó không phải là một đảng mà là một
tập hợp toàn thể nhân dân Khmer vượt lên trên đảng phái. Trong các cuộc
vận động để thu hút đảng viên, Sihanouk luôn luôn diễn tả Sangkum là
trung thành với hoàng gia, chống Sangkum là chống hoàng gia. Dân Kam-
pu-chia, trong một trình độ còn ấu trĩ về sinh hoạt dân chủ, đã không đặt
thành vấn đề lựa chọn trước hoàng gia. Hoàng gia đối với họ là trên hết và
trước mắt họ Sihanouk vẫn là quốc vương dù ông ta đã thoái vị. Vì vậy chỉ
trong một thời gian nhắn, Sangkum đã thu hút được một số đảng viên đông
đảo và gây được một ảnh hưởng lớn lao trong quần chúng.