Trong cuộc bầu cử ngày 11 tháng 9 năm 1955, Sangkum đã thu được 83%
phiếu, Dân Chủ được 12%, còn đảng Pracheachon (Liên Đoàn Nhân Dân,
được coi là do CS tổ chức) đạt được 4%. Đảng Dân Chủ ngày càng mòn
mỏi dần và tới tháng 8 năm 1957 thì suy sụp hẳn trước sự công kích của
Sihanouk làm tan rã nhóm lãnh đạo. Tới cuộc bầu cử ngày 23 tháng 3 năm
1958 thì chỉ còn Pracheachon đối lập với Sangkum, nhưng kết quả bầu cử
đã chặt mất chân đứng trên chính trường của Pracheachon, vì Sangkum đã
thâu hết 99,9% phiếu bầu.
Sự thắng thế của Sangkum đã làm cho sinh hoạt chính trị trở nên lắng dịu
hẳn ở thủ đô, vì lúc ấy quốc hội gồm toàn các dân biểu Sangkum. Nhưng
bên trong không phải là không có rạn nứt trầm trọng. Thật sự Sangkum
không phải là không có chủ trương rõ rệt, không nhằm đấu tranh cho một
dường hướng chính trị mà một chính đảng phải có, nên quần chúng đảng
viên đã được tập hợp một cách rộng rãi đến nỗi ngay trong tổ chức cũng
khó mà tìm ra nỗi một mẫu số chung về bất kỳ địa hạt nào. Những tiêu
chuẩn mơ hồ về “nền dân chủ bình đẳng và chủ nghĩa chân xã hội” của
Đảng chỉ là những danh từ được hiểu một cách khái quát mà nhà cầm
quyền muốn diễn tả thế nào cũng được.
Đầu năm 1959, một biến cố xẩy ra đã hé cho người ta thấy rõ tính chất
phức tạp bên trong của cái bề mặt chính trị phẳng lặng lúc ấy. Đó là một âm
mưu khuynh đảo chính phủ Sihanouk của bộ ba Sơn Ngọc Thành, Dap
Chhuon và Sam Sary. Với Sơn Ngọc Thành (khi ấy còn ở ngoài bưng) và
Dap Chhuon (một trong những cựu lãnh tụ Khmer Issarak, khi ấy đang là
tỉnh trưởng Siem Reap) thì không ai lấy gì làm lạ, nhưng với Sam Sary thì
thật là khó hiểu. Sam Sary là một cận thần của Sihanouk, đã từng giữ
những chức vụ ngoại trưởng, phó thủ tướng, đại sứ ở Luân Đôn, khi ấy
đang là tổng thư ký đảng Sangkum. Sau vụ này chỉ có Dap Chhuon bị hạ
sát, Sơn Ngọc Thành thì vẫn không ló mặt, còn Sam Sary thì trốn sang
Nam Việt Nam.
Tháng 4 năm 1960, vua Norodom Suramarit tạ thế, Sihanouk đã từ chối tái