kín nhẹm hơn, sâu xa hơn, lại chính là những tướng lãnh tay chân của
Sihanouk, những người thường được Sihanouk dùng làm lá bài hù bọn tả
phái trẻ.
Hai bộ mặt lớn nhất trong đám tướng tá cầm đầu quân đội là Lon Nol và
Sirik Matak. Sirik Matak là hoàng thân, lại thuộc dòng họ chính thống, nên
sau này Sihanouk đã coi là đối thủ đáng ngại. Từ 1967, Matak đã bị đẩy đi
làm đại sứ để tránh “nội họa”. Còn Lon Nol, dù sao cũng là một quân nhân
thuần túy, lại thường tỏ ra rất phục tòng nên Sihanouk ít để ý hơn.
Trên chính trường thời Sihanouk, ngoài bọn phong kiến, trí thức trẻ, một số
ít tướng tá, tưởng cũng còn phải kể thêm một thế lực khác đã tạo được chân
đứng từ cuộc bầu cử 1966: đó là giới đại điền chủ. Điền chủ ở Kam-pu-chia
đã ngoi lên được, cụ thể là đã lọt vào quốc hội, là nhờ tổ chức bầu cử tương
đối cởi mở hơn sau cuộc thăm viếng của De Gaulle vào mùa hè cùng năm.
Chính từ cuộc thăm viếng này, thế thăng bằng biểu kiến của Sihanouk đã
sụp đổ. Sihanouk và chế độ của ông đã tự biến Kam-pu-chia thành tiền đồn
Đông Nam Á của chủ nghĩa De Gaulle với những màn khích động về đối
ngoại làm ngơ ngác các nước láng giềng.
Trong Cuộc Tranh Dành Quốc Tế
Về đối ngoại, trước đây mặc dầu có cái vẻ cứng rắn, nhưng Sihanouk lại
luôn luôn ở trong tình trạng dễ chao động, cái hoàn cảnh của người leo dây
phải nghiêng người về bên này để giữ cho khỏi rơi về bên kia. Sihanouk
thường nhắc nhở quần chúng chính sách trung lập mà ông chủ trương. Ông
lấy lịch sử ra để dẫn chứng: người xưa đã sai lầm khi chút chút lại chạy ra
ngoài cầu viện ngoại bang để giải quyết những chuyện lộn xộn nội bộ, nên
ngoại bang mới có dịp xâu xé đất nước này. Câu chuyện con kiến trước
cảnh hai voi đánh lộn cũng là hình ảnh Sihanouk thường hay đề cập đến khi
muốn nói về cái thế đứng ngoài của Kam-pu-chia trước cuộc tương tranh
của hai phe tư bản và cộng sản quốc tế.