một lần nhiều mũi tên, hoặc một phương thức bắn hàng loạt về cùng một
hướng, vào cùng một đích, của nhiều đội cung thủ theo nhịp lệnh. Đàng
nào cũng là một kỹ chiến thuật tiền tiến đương thời.
Cho nên, những người viết sử hôm nay, nếu thành thực với mình với người
tất không thể nào phủ nhận được công trình xây dựng nền văn minh chói
lọi nhất và cổ nhất Đông Nam Á của bộ tộc Lạc Việt. Dưới ánh sáng của
khoa khảo cổ, người ta đã thấy những vết tích của nền văn minh này ở rải
rác khắp Đông Nam Á, kể cả ngoài hải đảo. Do đó, đã một thời người ta
đua nhau đi tìm đồ đồng Đông Sơn không những chỉ ở miền Bắc Việt Nam
mà còn mãi tận Kampuchia, Indonesia, Phi-líp-pin.
Trong thời kỳ đầu bị người Tàu đô hộ, dân Lạc Việt vẫn còn bảo tồn trọn
vẹn được nền văn hoá riêng biệt. Chỉ cho đến khi Mã Viện mang quân sang
đàn áp cuộc nổi dậy do Hai Bà Trưng lãnh đạo thì nhóm Việt sông Hồng
mới thực sự phải đương đầu với nỗ lực Hán hoá khốc liệt của người Hán.
Những người Việt miền xuôi trực tiếp sống dưới sự cai trị của quan quân
Tàu đã chịu một phần ảnh hưởng không nhỏ. Những người Việt chạy về
nam đã tiếp nhận văn minh Ấn. Chỉ còn nhóm Việt lui về rừng núi (như dân
Mường) là giữ được nền nếp sinh hoạt cổ truyền. Chính trong nền nếp sinh
hoạt ấy mà sau này các động miền núi đã cung cấp cho dân tộc những bậc
anh hùng cứu quốc vĩ đại nhất trong lịch sử như Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lợi.
Lâm Ấp, Hạt Nhân Tái Sinh Ngoài Vòng Ảnh Hưởng Hán Tộc
Khi đại quân của Hai Bà Trưng tan vỡ ở Cẩm Khê (Vĩnh Yên) và thế bức
hai bà phải tự tận (năm 43) thì bọn tuỳ tướng còn lại dẫn tàn quân chạy về
quận Cửu Chân (vùng Thanh Nghệ). Sau Mã Viện đem quân vào đánh, một
số tướng lãnh trong đó có Đô Dương bị thua đành phải ra hàng, còn một số
khác phải lui về phía cực nam phối hợp cùng thổ dân (bộ tộc Chàm trong
nhóm Lạc Việt) giữ huyện Tượng Lâm và tiếp tục kháng cự. Mãi 59 năm
sau (năm Nhâm Dần đời Hòa Đế nhà Đông Hán, tức 102) nhà Đông Hán
mới đặt xong nền cai trị ở đất này.