còn kia, lẽ nào dễ mà phủ nhận cho được!
Nhưng cho dù có cùng chấp nhận như vậy thì chúng ta vẫn hãy còn kẹt ở
niên đại Hùng Vương. Nếu chủ trương Hùng Vương đệ nhất lập quốc vào
thiên kỷ 3 trước Công nguyên thì phải phủ nhận 18 đời Hùng Vương (có
người đưa ra giả thuyết 18 dòng vua?). Nếu chủ trương chỉ có 18 đời Hùng
thì phải lui ngày lập quốc xuống ít ra là 2.000 năm. Theo chủ trương sau,
thử tính ngược lại 18 đời Hùng Vương với trung bình mỗi đời 25 năm, ta sẽ
có một khoảng thời gian trên bốn trăm năm. Nếu kể từ khi Thục Phán thống
nhất được Âu Việt và Lạc Việt (năm 257 trước Công nguyên) thì Hùng
Vương thứ nhất lập quốc vào khoảng thế kỷ 7 trước Công nguyên. Nhận
định này cũng ứng hợp với điều đã ghi trong Việt Sử Lược nói về một dị
nhân ở bộ Gia Ninh, đời Chu Trang Vương, thu phục được các bộ lạc bằng
tài ảo thuật mà làm nên nước Văn Lang và tự xưng là Hùng Vương
. Đời
Trang Vương nhà Chu là khoảng đầu thế kỷ 7 trước Công nguyên (696-
682). Đến đây vấn đề dường như hơi có vẻ sáng tỏ, nhưng khốn nỗi sử sách
cũng lại còn ghi năm Tân Mão đời Thành Vương nhà Chu, tức 1109 trước
Công nguyên, có nước Việt Thường ở phía nam xứ Giao Chỉ sai sứ đem
chim bạch trĩ sang cống. Nếu y cứ vào điểm này thì lại thấy rõ ràng ít ra bộ
tộc Việt ở đây cũng đã lập quốc từ thiên kỷ 2 trước Công nguyên.
Tóm lại về thời điểm lập quốc, chúng ta hãy tạm coi còn là một nghi vấn
lịch sử. Chỉ biết rằng người Lạc Việt đã có mặt ở bình nguyên sông Hồng
hằng thiên kỷ trước Công nguyên. Đó cũng là lý do khiến chúng tôi xếp
cuộc thiên di của bộ tộc Lạc Việt vào thời kỳ đầu tiên.
Thời đại Hùng Vương không để lại nhiều dấu vết đủ cho chúng ta suy cứ
để có một hình ảnh rõ ràng về chặng đường tạo hình xã hội. Tuy nhiên,
bằng vào những di vật ta đào được, ta có thể quả quyết về mặt văn hoá
quốc gia cổ này đã tiến sâu vào thời đại đồng thau với một nghệ thuật tinh
vi cao độ.