chức vụ chuyên nghiệp và luôn luôn bất mãn về sự độc quyền lãnh đạo ở
những vai trò then chốt hơn của hoàng thân quốc thích ngay cả trong địa
hạt chuyên môn của mình. Và sau cùng là sự suy sụp của nền tài chính
quốc gia, một sự suy sụp do ảnh hưởng về chính sách kinh tế thiếu khả
quan từ nhiều năm trước mà Rama VII phải thừa hưởng.
Hai nhân vật nổi bật nhất trong số những người lãnh đạo cách mạng là
Phibun Songkhram, người cầm đầu nhóm sĩ quan cao cấp, và Pridi
Phanomyong, giáo sư luật trường đại học Chulalongkorn, đại diện nhóm
thanh niên trí thức.
Bình minh ngày 24 tháng 6 năm 1932, quân đội thuộc phe cách mạng tiến
vào thành phố Bangkok và chiếm giữ tất cả các cơ sở trọng yếu. Tuyên
ngôn chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế được phóng ra và sau đó nhà
vua được mời ngồi lại ngai vàng trong một chính thể có hiến pháp. Chỉ
trong ít ngày sau, cuộc chính biến không đổ máu đã hoàn toàn thành công.
Nhà vua chấp nhận một bản hiến ước tạm thời. Nhóm gây chính biến mệnh
danh là đảng Nhân Dân tự biến thành quốc hội lâm thời và tự thành lập
chính phủ. Tới ngày 10 tháng 12 năm 1932, nghĩa là chưa đầy sáu tháng kể
từ ngày chính biến, một hiến pháp chính thức đã được công bố và áp dụng,
trong đó có đề cập tới một quốc hội gồm 156 nghị sĩ, một nửa do dân bầu,
một nửa do nhà vua chỉ định.
Ít lâu sau cuộc chính biến, một nhóm quân đội và dân sự do hoàng thân
Boworadet, cựu tổng trưởng quốc phòng, cầm đầu, đã nổi lên chống chính
phủ. Khi nhóm quân này tiến tới gần kinh đô thì bị quân chính phủ đánh
tan. Cuộc nổi loạn này đã làm cho các nhà lãnh đạo đảng Nhân dân có cớ
đàn áp hoàng gia bằng cách bỏ tù hoặc buộc lưu vong ra khỏi xứ một số
hoàng thân quốc thích. Hai năm sau, cả chính vua Rama VII cũng bị truất
phế và bị trục xuất sang Anh quốc. Các nhà lãnh đạo chính quyền đón
Ananda Mahidol, cháu vua Chulalongkorn (Rama V) lúc ấy mới 16 tuổi và
đang học ở Thụy sĩ về làm vua.