Dĩ nhiên chính phủ Thái đã chọn con đường nhượng bộ, một phần vì không
thể đương đầu nổi với Nhật, một phần vì một số lớn các nhà lãnh đạo Thái
khi ấy vốn có khuynh hướng “thà để Á châu cho Nhật lãnh đạo trong chủ
trương Đại Đông Á còn hơn để cho đế quốc Tây phương thống trị mãi
người da vàng”.
Do đó, quân đội Nhật đã đồn trú ở đất Thái dưới danh nghĩa lực lượng liên
minh chứ không phải quân chiếm đóng. Thái ký hiệp ước thân hữu và liên
kết với Nhật, và sau đó tuyên chiến với đối phương của Nhật là Anh Mỹ.
Sự kiện này dù sao cũng giúp Thái Lan bảo toàn được chủ quyền đối nội.
Còn vấn đề đối ngoại thì theo chủ trương của thủ tướng Phibun sẽ “tùy cơ
ứng biến”. Chủ trương ấy được diễn tả đầy đủ trong câu nói của Phibun với
vị tham mưu trưởng của ông năm 1942 “Phe nào mà ông nghĩ là sẽ thua
trong trận chiến tranh này phe đó sẽ là kẻ địch của chúng ta”
.
Đó chính là chính sách tự thích ứng để sinh tồn của Thái mỗi khi phải
đương đầu với các lực lượng ngoại bang quá mạnh. Sự né tránh đó của các
nhà lãnh đạo Thái còn tỏ ra khôn ngoan hơn khi Pridi Phanomyong đã lập
tức rời khỏi nội các để sang làm phụ chính cho quốc vương ngay khi quân
đội Nhật đổ bộ lên đất Thái. Đồng thời nhân vật số hai này đã trở thành
lãnh tụ của các lực lượng chống Nhật bí mật ở Thái và luôn luôn bắt liên
lạc với Trung Hoa, Anh và Mỹ. Ngoài ra tới năm 1944, khi thấy Nhật lăn
mau trên đà thất trận, Phibun đã tự ý rút lui nhường ghế thủ tướng cho một
nhân vật hạng thứ là Khuang Aphaiwong thay thế. Khuang đã cầm quyền
cho tới khi Nhật đầu hàng.
Chính tình trạng nước đôi ấy đã cứu Thái sau Thế chiến 2. Lực lượng
chống Nhật của Thái chẳng qua chỉ là con tẩy sì trong canh bài quốc tế.
Nhờ con tẩy ấy mà Thái không bị liệt vào hàng ngũ các nước bại trận. Vấn
đề được giải quyết thật là giản dị: Quốc vương Thái chỉ việc chọn một nhân
vật theo phe đồng minh để thiết lập chính phủ cho “Nước Thái Tự Do” thay