Đi xa hơn, học giả W.G. Solhiem, thuộc đại học Hawaii, đã vạch rõ ràng
việc đặt cái tên Ấn Hoa cho vùng này phản ảnh kiến thức ấu trĩ của Tây
phương về trào lưu du nhập văn hóa. Ông đã chứng minh ngược lại là
chẳng những ánh sáng văn minh đầu tiên không phải từ Ấn và Hoa chiếu
rọi vào miền Đông Nam mà chính là từ miền Đông Nam tỏa lên và tỏa sang
Hoa và Ấn. Qua các cuộc khai quật có hệ thống trong vòng 10 năm nay
(nhất là giai đoạn từ 1963 đến 1968 tại Non Nok Tha, Bắc Thái), nhóm
chuyên viên thuộc hai trường đại học Otago (Tân-Tây-Lan) và Hawaii
(Mỹ) đã chứng minh một cách khá chính xác rằng: về nông nghiệp, miền
Đông Nam Châu Á đã trồng lúa (gạo) từ trên 3.000 năm trước Công
nguyên, nghĩa là trước Ấn Độ và Trung Hoa ít ra là 1.000 năm; về kỹ thuật,
miền Đông Nam Châu Á đã biết đúc đồng bằng khuôn đôi sa thạch từ
2.300 đến 3.000 năm trước C.N., nghĩa là trước Ấn Độ 500 năm và trước
Trung Hoa 1.000 năm
.
Vậy thì, hãy trả cái gì của César cho César. Vùng đất mà chúng ta đang nói
tới cùng các quần đảo lớn nhỏ bao bên ngoài ở miền Đông Nam châu Á,
chúng ta hãy gọi nó là Đông Nam Á, một cái tên đúng đắn nhất y cứ vào
Châu và vị trí trong Châu, như người ta đã gọi Đông Âu, Bắc Âu, Nam Mỹ,
Trung Mỹ, v.v…
Toàn thể Đông Nam Á gồm các nước Việt Nam, Lào, Kam-pu-chia, Thái
Lan, Miến Điện, Indonesia, Phi-líp-pin, Mã Lai Á và hai mẩu đất phân ly
trong khu vực Mã Lai là Singapore và Brunei (thuộc Anh). Để chỉ rõ ràng
hơn, người ta gọi bán đảo vào đại lục Á Âu trước có tên Ấn Hoa nay là
Đông Nam Á Lục Địa (Southeast Asia Mainland), phần còn lại là Đông
Nam Á Hải Đảo (Southeast Asia Islands) gồm chuỗi đảo chạy vòng cung từ
eo biển Malacca tới Luzon nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.