Chương 17
Gặp lại
Xế chiều ngày Ba mươi Tết, Lý An Dân nấu cháo điện thoại với Cao
Hàm, có nhắc đến một cái tên hết sức quen thuộc- “Ăn mày mặt nát”, nghiêm
túc mà nói thì đây chẳng phải là tên ai, chỉ là một cách gọi.
Người ấy mặc áo ngoài rách rưới, đầu quấn khăn vải đen, tay trái bưng
một cái ca sứ trắng bị mẻ một miếng to, tay phải mang bao xác rắn lớn- hình
tượng một người hành khất như thế này từng là ác mộng trong lòng nhiều đứa
trẻ.
“Ăn mày mặt nát ngoài đầu ngõ”, đây là câu chuyện mà Lý An Dân đã
từng nghe lúc tiểu học. Khi đó cô đã chuyển đến thành phố, ở trong một con
ngõ cũ có tên là phố Nam Hậu, con ngõ này rất thú vị, hai bên trục đường
chính thẳng tắp chia ra vô số hẻm ngách vừa dài lại vừa hẹp, cứ như những
nhánh cây tua tủa trên một thân cây to. Trong mỗi ngõ ngách ở đây đều có năm
ba nhà, cửa chính đối diện nhau, lối đi chỉ đủ cho một người, ngưỡng cửa thì
làm cao hơn mặt ngõ rất nhiều lại không có bậc thang để đi lên, hết thảy đều
dùng các khối đá kê chân mà bước.
Ngay đầu phố Nam Hậu có sân chung của một khu tập thể, là chỗ vui chơi
cho đám trẻ ở gần đó, và cũng chính là nơi Ăn mày mặt nát thường xuyên lui
tới nhất.
Nghe nói Ăn mày mặt nát mỗi đêm đều quanh quẩn ở đầu ngõ để xin
cơm, dùng khăn đen bịt kín khuôn mặt rách nát của mình, đêm hôm khuya
khoắt gặp đứa trẻ nào đi lạc là sẽ bắt lấy rồi nhét vào trong cái bao xác rắn đem
đi, đưa tới một nơi vắng vẻ không người rồi hút óc, còn chặt ngón tay bỏ vào