vẫn nghe hoài không biết chán, lại đem những việc mình trải qua mỗi ngày kể
cho A Cát nghe - ngoài trời trong xanh bao nhiêu, cỏ biếc đến nhường nào, hoa
thơm ra sao, tất cả đều là những thứ bình thường A Cát không cảm nhận được.
Năm quả phụ Hương mười bốn tuổi, bệnh của A Cát càng thêm nặng, liên
tục đi kiết, quả phụ Hương cực khổ ngày đêm, không nghỉ ngơi phút giây nào,
luôn túc trực bên đầu giường để săn sóc, A Cát biết mình không qua khỏi,
trước lúc lâm chung để lại một nguyện vọng - mong cha mẹ có thể tìm cho
người vợ còn chưa có động phòng của mình một nhà nào đó thật tốt.
Có điều bản thân quả phụ Hương lại không muốn ra đi, cô muốn ở lại
chăm lo cho cha mẹ chồng, đến khi hai cụ qua đời mới chuyển sang trại bỏ
hoang để ở. Dọn cả bài vị của A Cát cùng những vật dụng lúc còn sống của
anh sang bên này hết, cam tâm tình nguyện thờ chồng làm một góa phụ, giữ
một mạch những tám năm trời, ai nấy đều cảm thấy khổ cho cô, thế nhưng bản
thân cô lại thấy vui vẻ.
Quả phụ Hương không phải là mẫu con gái vừa nhìn đã thấy đẹp, nhưng
cũng xinh xắn dễ coi, tính tình lại hiền hậu thuần khiết, dịu dàng e lệ, trên
người dường như tỏa ra một khí chất trẻ trung ngây thơ không hợp với tuổi tác,
trong thôn tự nhiên có người nảy sinh tình cảm với cô, thế nhưng đối với tình ý
của những người đàn ông khác quả phụ Hương lại tránh như tránh tà, cô chỉ
muốn theo chồng mình suốt đời suốt kiếp.
Ngày mà quả phụ Hương còn chưa biết tình yêu là gì, A Cát bằng thân
phận người chồng chiếm trọn cả thế giới của cô, sau khi A Cát mất không
được bao lâu, quả phụ Hương cũng đến tuổi chớm nở mối tình đầu, chính trong
những ngày đó, cô đặt tình cảm không biết phải gửi vào đâu lên trên người
chồng đã chết của mình, nỗi nhớ chồng chất dần dần chuyển thành tình yêu và
cô dùng hết tình yêu này để an ủi vỗ về tâm hồn mình.