Chính là do năm tháng tích lũy, khí được dồn tụ bên trong vật thể, dần dần
chuyển hóa, biến thành linh hồn có được ý thức của bản thân mình.”
Lư Ngư cất giọng buồn buồn: “Hồn khí của Tiểu Phi Yến vừa mới hình
thành không lâu, đang ở trong thời điểm yếu ớt nhất, nếu như hình phách bị
thương tổn, linh hồn sống dựa vào phách cũng sẽ bị tiêu tan theo, tôi phải tranh
thủ dời linh hồn cô ấy vào trong một con rối khác trước khi chuyện đó xảy ra.”
Ông chủ Lư Ngư có quen biết với một vị đồng nghiệp cũng thuộc phái
Yên Sơn, người nọ ở tại huyện Nhiêu Bình, mang họ Quản, là một sư phụ
chuyên điêu khắc rối gỗ, am hiểu thuật Dẫn khí nuôi hồn, cũng vì thuật này
đoạt thiên địa tạo hóa để tu bổ cho hồn phách, nên mới được xưng là “thuật đi
ngược lẽ trời”, có rất ít người dám sử dụng, sợ dùng rồi sẽ bị giảm thọ. Lý An
Dân nghe xong hiếu kì, mới đi cùng với ông chủ Lư Ngư.
Xưởng rối gỗ của Quản sư phụ nằm ở phía Đông núi Phù Sơn, gần hố mộ
hoang, hai gian trước sau liền kề, gian trước là nơi làm việc, gian sau là nhà
kho dùng để cất giữ các con rối đã được điêu khắc xong. Cũng gần hết năm,
đám thợ học việc đều về quê hết, chỉ còn mỗi một mình Quản sư phụ trông
nom nơi này.
Lý An Dân theo chân ông chủ Lư Ngư tiến vào trong xưởng rối gỗ, thấy
hai người đàn ông đang ngồi đối diện nhau qua một cái bàn, trên bàn còn đặt
một cái rương gỗ. Người đàn ông quay mặt về phía cửa khoảng chừng ba mươi
tuổi, khuôn mặt xương xương, râu ria tua tủa, ăn mặc tùy tiện, thoạt nhìn lôi
thôi lếch thếch, riêng có đôi mắt rất sắc và sáng, cứ ngời lên sau làn tóc mái.
Lư Ngư gõ nhẹ lên cửa: “Anh Quản ơi, em tới nhờ anh giúp một việc!”
Quản sư phụ ngước lên, nhìn sang phía Lý An Dân, hỏi: “Cô ấy là ai?”