Nghệ nhân mặc trang phục dân tộc, đeo đủ loại mặt nạ ra sân diễn kịch,
Lý An Dân thấy mới lạ, nhưng xem mãi cũng không có chút cảm xúc nào. Cô
vốn cho rằng thứ văn hóa nguyên thủy lưu truyền từ thuở hồng hoang này hẳn
phải thần bí hơn, mang hương vị cổ xưa hơn mới đúng.
Diệp Vệ Quân nói văn hóa rước thần đuổi tà có nguồn gốc sớm nhất là
vào thời Ân Thượng, là một kiểu tôn giáo tự nhiên, tồn tại và phát triển chỉ vì
mục đích sinh tồn. Có người nói điệu nhảy rước thần này khởi nguồn từ hoạt
động săn bắn, ngoài ra cũng có giả thuyết khác là điệu múa này ban đầu chỉ
nhằm để xua đuổi dã thú, sau đó dần dà mới trở thành một nghi thức cúng tế
thần linh xua đuổi các loại ma quỷ tà thần.
“Thời xưa múa đuổi tà rất đơn giản thô sơ, đến bây giờ các kiểu cúng tế
đa dạng phong phú, phụ kiện kèm theo cũng càng lúc càng nhiều, em biết cái
này gọi là gì không?”
“Là gì cơ ạ?”
Diệp Vệ Quân ghé sát tai cô nói nhỏ: “Tín ngưỡng kiểu hình thức lấy lệ.”
Lý An Dân cười khúc khích, “Anh dám nói thế á? Cơ mà có vẻ đúng, bây
giờ ai ai cũng tin vào khoa học cả rồi, làm gì còn có người tin vào mấy thứ…
tín ngưỡng vô căn cứ này chứ.” Vốn cô đang muốn nói là “nhảm nhí”, nhưng
lời ra tới miệng lại nuốt ngược trở lại, ngày trước không tin thì không sợ,
chẳng qua bữa nay không còn dám nói lung tung nữa rồi, đỡ phải vạ miệng.
Xem biểu diễn ca múa xong rồi, còn có một tiết mục mời du khách cùng
tham gia gọi là “Nguyệt địa ngõa”, trong tiếng dân tộc Động có nghĩa là công
khai kết đôi, thực chất là một trò chơi hẹn hò tập thể. Thanh niên nam nữ trong
đoàn du lịch bị các cô gái người Động kéo lên sân khấu, nữ đứng thành vòng
trong, nam tạo thành vòng ngoài, nắm tay nhau nhảy múa dưới tiếng khèn rộn