Kỳ nghỉ hè sau khi tốt nghiệp trung học đối với đôi bạn Lý An Dân và
Cao Hàm đây mà nói không hề an nhàn một chút nào, hai cô nàng định học đại
học xa nhà, lúc này đang phải ngồi trên tàu tới trấn Bạch Phục. Trấn Bạch
Phục là một địa phương đầy sắc màu huyền thoại, có địa thế giống như một
con rùa đen khổng lồ. Ngoài cửa Tây của trấn có một ngôi miếu tên gọi Bạch
Quy, được thờ phụng tại đây không phải Thần hay Phật mà là một con rùa tạc
từ đá trắng toát. Rùa nằm thế phục địa, thân bị một vách tường ngăn ra làm hai,
đầu và chân trước ở phía trong, đuôi cùng với chân sau ở ngoài tường, trên
thân khắc hai chữ “Bạch Phục”. Cái tên thị trấn cũng chính là từ hai chữ này
mà ra.
Nghe nói trong thời kháng chiến từng có một tiểu đội lính Nhật chuyên
đốt nhà cướp của giết người tung hoành ngang dọc như sói đói giữa bầy cừu,
khiến cho khi ấy tiếng than dậy đất, thây phơi đầy ruộng. Điều kỳ lạ là đám
lính Nhật này trước khi tới được trấn Bạch Phục thì toàn bộ đều chết một cách
lặng lẽ bên ngoài trấn mà chẳng ai hay biết. Ngay trước miếu Bạch Quy, không
có ai còn sống sót. Khi đó khí trời oi bức, đến khi có người qua đường phát
hiện thì hơn mười cái xác đã rữa nát bốc mùi từ lâu, trong ngoài thi thể chi chít
một loại bọ cánh cứng màu xám trắng kết thành đàn thành đám lúc nha lúc
nhúc, bò qua bò lại. Người dân nơi đây đều nói đám bọ cánh cứng màu xám
trắng này chính là hóa thân của Bạch Quy, đem cái chết li kì của bọn lính Nhật
quy hết công lao về cho thần Rùa.
Cao Hàm tra cứu trên mạng được không ít tư liệu về trấn Bạch Phục, cũng
bởi Lý An Dân là một đứa gà mờ, chẳng biết gì về máy tính nên sau khi lên tàu
hỏa thì Cao Hàm liền đảm nhận luôn vị trí hướng dẫn viên, hứng khởi dào dạt
mà giới thiệu về diện mạo cũng như lịch sử của trấn Bạch Phục.
“Này, cậu có muốn nghe hay không đấy? Không muốn nghe thì tớ cũng
chẳng thèm tốn nước bọt với cậu nữa.” Cao Hàm ngáp một cái, các cô ngồi ghế
cứng, đêm xuống chỉ có thể ngồi gục tại bàn mà ngủ, vậy nên chẳng ai được
ngủ thoải mái cả.