Diệp Vệ Quân chỉ tay vào một kiệu hoa với tấm rèm che đỏ thẫm cách đó
không xa, hỏi cô: “Có muốn ngồi không? Ngồi thử kiệu cô dâu, mười tệ một
lượt.”
Lý An Dân lắc đầu quầy quậy như trống bỏi, ánh mắt chuyển sang phía
khác, dừng lại ở dãy hàng quà vặt đằng sau kiệu hoa, các chủ quán kê bàn dài
nối nhau san sát, trên bày các loại đồ ăn nguội với đủ màu đủ sắc, hấp dẫn rất
nhiều dân chuyên ăn quà vặt.
Diệp Vệ Quân dắt tay cô, cười bảo: “Xem ra bữa sáng em ăn còn chưa no
hả, đi, qua bên ấy xem thử một chút.”
Lý An Dân giả vờ khách sáo với anh: “Lúc ra khỏi cửa em quên mang
theo tiền, khụ, ăn sáng cũng phải để cho anh mời, như thế này nữa thì thật xấu
hổ lắm.”
Diệp Vệ Quân dừng bước, vuốt vuốt cằm hỏi: “Thế ư? Vậy thôi khỏi đi
nữa.”
Lý An Dân há hốc miệng, theo như tưởng tượng của cô thì hẳn là Diệp Vệ
Quân phải nói như thế này mới đúng – “Khách sáo với anh làm gì, để lần sau
em mời lại anh là được.” Cái lần sau ấy là khi nào thì vẫn còn là một dấu chấm
hỏi.
“Vậy, anh Vệ Quân này, anh… Hay anh cứ cho em vay mười tệ trước đi,
lúc về rồi em trả lại cho anh.” Lý An Dân từ bé đã nhận định rằng ý nghĩa lớn
nhất của hội chùa chính là lấp đầy cái bụng, về nhà với cái bụng rỗng tuếch thì
có khác nào tốn công đi vô ích đâu cơ chứ.