Thuở ấy, vì thuyên chuyển công tác mà nhà ông Lý phải chuyển sang nơi
khác, Lý An Dân và Diệp Vệ Quân từ ấy cũng không được gặp nhau. Sau này
bà Lý lại được vời về làm giáo viên, Lý An Dân cũng chuyển trường theo bà,
lại quay trở về bên hồ Bành Hoài. Năm đó cô vừa mới mười sáu tuổi, là một
nữ sinh trung học duyên dáng đáng yêu, lại thêm gia đình gia giáo nề nếp
khiến thần thái của cô thêm phần điềm đạm hòa nhã hơn các cô bé khác. Mà
Diệp Vệ Quân vẫn ở trong cái ngõ ấy sửa xe đạp, kể từ sau khi về quê, đầu của
anh cũng chưa từng ngẩng lên lấy một lần.
Vào một ngày tuyết rơi lạnh giá, Lý An Dân và mấy cô bạn chung lớp đi
về nhà sau giờ tan học, vừa lúc đi ngang qua một con hẻm, tình cờ bỗng chạm
mặt Diệp Vệ Quân. Anh mặc trên mình một cái áo bông quân đội to sụ, đầu đội
mũ chống lạnh có tai, đẩy chiếc xe đạp ọp ẹp treo đầy các túi lớn đựng dụng cụ
ở bên trong, khom lưng cúi đầu, rảo bước trên nền tuyết trắng, không chút
ngập ngừng mà đi lướt qua Lý An Dân. Các cô bạn học ở bên cạnh đều dạt ra,
chỉ có Lý An Dân là đứng yên không hề nhúc nhích, cô nhìn về phía bóng lưng
tang thương ấy mà kêu lên một tiếng: Anh Vệ Quân.
Người trước mặt làm ngơ như không nghe thấy, tiếp tục đi thẳng, Lý An
Dân cầm ô đuổi theo, đám bạn học sau lưng cất tiếng hỏi: Là người quen của
cậu à?
Lý An Dân ngoảnh đầu lại, cười đến híp cả mắt, hô to đáp lời: Đúng thế,
anh ấy chính là vị hôn phu của tớ.
Diệp Vệ Quân khựng lại, Lý An Dân đuổi đến bên cạnh, nâng cao ô, phủi
lớp tuyết bám đầy trên mũ và đôi bờ vai của anh, hai người sóng vai nhau đi ra
ngoài đầu hẻm. Diệp Vệ Quân dời địa điểm sửa xe đến con đường ở gần
trường học, suốt những ngày sau đó, tan học về là Lý An Dân lại ra đầu đường
phụ giúp anh Vệ Quân của cô sửa xe, đến lúc dọn dẹp xong xuôi, anh đưa cô
về nhà. Vô số cặp mắt dõi theo hình bóng ngang qua của hai người, những lời
đồn đại xôn xao cũng bắt đầu lan truyền tới tấp.