Người con gái thẹn thùng nói:
– Thiếp là con vua Thủy. Đi dạo chơi chẳng may quá bước bị sa vào
lưới. Được chàng cứu thoát nạn, thiếp xin trả ơn chàng.
Từ hôm ấy, người con gái ở cùng. Sớm sớm, Giáp Hải vẫn đi nghe bình
văn, nhưng đầu óc dường như minh mẫn hơn trước nhiều.
Một hôm, người con gái nói:
– Thiếp vắng nhà đã lâu, cha mẹ lại không biết thiếp đi đâu, chắc mong
nhớ lắm. Xin chàng về nhà cùng thiếp, cho cả nhà biết mặt chàng rể.
– Tôi là người trần, xuống thế nào được thủy cung?
– Không sao. Chàng nắm tay thiếp cùng đi.
Nói rồi, người con gái lấy cái vỏ ba ba trong ngăn kéo ra. Lập tức, nàng
biến vào trong vỏ. Nghe lời nàng, Giáp Hải ôm ba ba đem ra bến Bồ Đề thả
xuống. Mặt sông bỗng rẽ ra, Giáp Hải vịn mai ba ba, bước vào trong nước.
Vua Thủy thấy con gái về, mừng rỡ khôn xiết. Rồi mở đại tiệc thết đãi
ân nhân đã cứu công chúa. Bây giờ thành người nhà, ở lại Thủy cung ngày
đêm Giáp Hải chăm chỉ đọc sách.
Một hôm, vua Thủy bảo Giáp Hải:
– Sắp đến kỳ thi trên kinh đô.
Giáp Hải giã từ thủy cung. Người con gái vua Thủy đưa chàng lên tận
cửa bến Bồ Đề, hẹn ngày tái ngộ.
Giáp Hải lên bờ, đi xem niêm yết ngoài công quán rồi về nhà trọ sửa
soạn đi thi.
Giáp Hải thi đỗ trạng nguyên khoá ấy.
Người lái buôn họ Giáp, từ ngày mất tích đứa con, già yếu hẳn đi.
Chẳng lúc nào khuây được thương nhớ, vài ba tháng lại lên kinh đô tìm
kiếm nơi đô hội xem hoạ may có được run rủi thế nào chăng.
Hôm ấy, ông đi qua công quán Cửa Nam, ông vào xem thấy tên Giáp
Hải được viết to trên đầu bảng.