Mừng quá. Đến hôm trở về làng lại nghe inh ỏi loa truyền, trống đánh,
tù và rúc báo tin ngày mai quan trạng nguyên về làng vinh quy bái tổ thì
niềm vui càng tột độ, đích xác Giáp Hải con ta rồi.
Cả làng linh đình, rầm rộ đón quan trạng. Lễ nghi vua ban cao trọng, vẻ
vang rực rỡ bao nhiêu thì bà con xóm làng trong vùng phải khó nhọc nửa
đêm chầu chực đi đón, cầm cờ, khiêng trống, lại kiệu, lại võng.
Giữa trưa, đám rước về tới đầu làng. Cả trăm nghìn người ra hai bên
đường xem mặt quan trạng. Giáp Hải nằm trong võng, nghe ngoài rèm tiếng
người nói:
– Quan trạng quê thật ở đâu không biết, chỉ là con nuôi ông lái họ Giáp
làng ta thôi.
– Thế mà làm khó nhọc cả mấy làng!
Giáp Hải nghe câu nói, giật mình, mới để ý hình như mình chẳng một
nét nào giống bố mẹ. Giáp Hải phân vân, nhưng cũng không dám nói, dám
hỏi. Từ đấy, để ý dò la.
Rồi ít lâu sau Giáp Hải biết thêm: Giáp Hải là con một bà hàng nước ở
ven đê, ông lái họ Giáp đã đem về nuôi cho ăn học từ thuở bé.
Giáp Hải được bổ về làm quan trấn Kinh Bắc.
Một ngày, Giáp Hải đi công cán qua đò ngang sang bên sông, thấy trên
ven đê, một bà già lắm, còm cõi, rách rưới trong ngôi hàng nước. Giáp Hải
ghé vào quán.
Hỏi thăm thì biết bà lão ở một mình, ngày trước bà lão cũng có con trai.
Nhưng chẳng may thằng bé ngã xuống sông chết từ thuở bé.
Tuy không biết thế nào, nhưng ra về nghĩ cứ đắn đo. Rồi Giáp Hải cho
người trở lại ven đê, nói với bà lão quán:
– Quan tôi thấy cố già cả, mà lại chẳng có nơi nương tựa, quan tôi
muốn đưa người về ở trong dinh, chẳng hay cố có bằng lòng không?
Bà lão nói: