LẤY VỢ CÓC
Có nhà phú hộ kia hiếm hoi quá, quanh năm đi đèn hương kêu cầu khắp
cửa đền cửa miếu mà chẳng thấy sinh nở thế nào. Đến năm đã luống tuổi,
người vợ mới có mang. Rồi ngày ở cữ, cả nhà mừng rỡ và hồi hộp thì bà ấy
trở dạ đẻ ra một con cóc.
Xóm giềng đến chơi hỏi thăm, ai cũng chán ngán. Có người nói: “Đẻ
con cóc là điềm xấu, lại chỉ bẩn nhà”. Người vợ thì ủ ê khóc thầm. Người
chồng định tối ấy đem ném con cóc ra ngoài ruộng.
Muôn loài trên mặt đất đều khác nhau, con dê mới sinh đã có râu cằm
và đứng dậy đi ngay được, con chim cả đời chỉ mặc một cái áo, con cóc mới
nở là con nòng nọc, vài hôm nòng nọc đứt đuôi hoá con cóc, biết nhảy biết
nghiến răng, biết mọi thứ như đã lớn.
Nghe bố nói thế, cóc nhảy đến, vòng hai chân trước, thưa:
– Bố đừng vứt con ra ruộng mà tội nghiệp con. Con ở với bố mẹ, mai
kia con lớn con biết làm đỡ được việc nhà.
Nghe Cóc nói thế, bố mẹ mủi lòng. Thế là bố không nghĩ đem bỏ Cóc
ra ngoài đồng nữa. Rồi chẳng bao lâu, quả là Cóc biết giúp việc nhà. Cóc
canh cửa. Cóc đuổi mèo ăn vụng, Cóc xua chim sẻ nhặt trộm thóc phơi
ngoài sân. Cả ngày Cóc tha thẩn bắt muỗi. Thỉnh thoảng, Cóc hát véo von
rồi lại nghiến răng kèn kẹt làm vui tai mọi người. Trong nhà đầm ấm hẳn, bố
mẹ càng thương Cóc, có người gọi là cô Cóc, cô Cóc ơi cô Cóc.
Có nhà thầy đồ dạy học trong xóm. Trong đám môn sinh có một học trò
nhà nghèo, cha mẹ mất sớm. Nhưng anh có chí ham học. Ngày ngày đi cày,
đi gánh nuôi thân rồi lại chăm chỉ cắp sách đi học.
Mỗi buổi sáng, anh đến nhà thầy đồ, đều đi qua cổng nhà phú ông.
Tháng mười lúa đương chín rộ, những bông thóc vàng nặng trĩu. Anh học
trò đói lòng lại cũng buồn miệng, cúi xuống rút một bông lúa để cắn trắt.