Kỳ. Nó vô hiệu hóa nhận định của tướng Westmoreland rằng Mỹ và đồng
minh đang chiến thắng; đưa tới sự phá sản các chính sách của Johnson về
Việt Nam; góp phần chủ yếu vào việc ông quyết định không ứng cử một
nhiệm kỳ tổng thống nữa; đẩy mạnh thêm phong trào phản chiến khiến xã
hội Hoa Kỳ thêm quằn quại vì dân chúng chia rẽ; đồng thời dọn đường cho
Mỹ đồng ý gặp riêng Bắc Việt tại Paris tháng 5.1968. Năm 1968 cũng là
năm tổn thất nặng nề nhất cho HK với số tử thương 14.314, bị thương
150.000 và chiến phí lên tới 30 tỉ mỹ kim.
Lời từ chối tham dự hòa đàm Paris của Nguyễn Văn Thiệu giúp Richard
Nixon đắc cử tổng thống. Để thực hiện lời hứa khi tranh cử là sẽ “kết thúc
chiến tranh Việt Nam và đạt được một nền hoà bình trong danh dự”, Nixon
bắt đầu dọn đường rút quân và chủ động hòa đàm với Bắc Việt. Như thế,
chiến tranh VN chuyển sang một giai đoạn khác, đặc biệt sau chuyến Nixon
đi Bắc Kinh, Việt Nam không còn là yếu tố quan trọng trong những quyết
định chính trị, quân sự và ngoại giao của Hoa Kỳ ở châu Á.
Muốn cho cả hai phía “diều hâu” lẫn “bồ câu” vừa lòng, Nixon tiến hành
trong cùng một lúc các phương án:
– Hiện đại hóa vũ khí, tiếp tế và huấn luyện cho quân đội VNCH phát triển
trên một qui mô lớn, theo chính sách được ông gọi là “Việt Nam hoá chiến
tranh”. Mục đích là giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của HK để rút dần lính
đánh bộ Mỹ ra khỏi VN;
– Mở rộng phạm vi oanh tạc của Mỹ và hành quân phối hợp với QLVNCH
sang Cambodia và Lào;
– Thả thủy lôi phong toả hải cảng Hải Phòng để ngăn chận đồ tiếp liệu
bằng đường biển từ Liên Sô vào Bắc Việt, và nếu cần thì oanh tạc Miền
Bắc để trả đũa những cuộc tấn công của Cộng Sản tại Miền Nam;
- Xúc tiến hòa đàm Paris giữa Mỹ và Bắc Việt; đề nghị góp phần tái thiết
Đông Dương 7.5 tỉ mỹ kim, trong đó Hà Nội sẽ nhận được 4.2 tỉ;
- Chuyển quan hệ ngoại giao giữa Mỹ, Hoa và Nga sang giai đoạn mới và
mật thiết hơn. Trung Quốc được nhận vào Liên Hiệp Quốc năm 1971 thay
Đài Loan. Nixon tuyên bố tại LHQ là “chấm dứt thời đại đối đầu, chuyển
sang thời đại thương thuyết trong tinh thần hiểu biết lẫn nhau”. Năm 1972,