áo hoa xanh, áo màu cỏ úa để tránh cho lũ phi công Mỹ phát hiện ném bom
xuống làng. Dạo ấy, lệnh trên bảo, bất kể cái gì là màu trắng phải tránh hết.
Phi công Mỹ nhìn thấy tưởng là ám hiệu. Bom ném xuống chết cả làng. Y
bò vào nhà dân, càng kinh ngạc hơn nhìn bầy heo “Yooc-sai” trắng nhởn
đứng cả một hàng trong chuồng sục mồm vào cái máng ăn cháo sữa Mỹ.
Có cậu lính nhìn bầy heo oàm oạp húp thức ăn, buột miệng chửi:
- Tiên sư cái thằng Mỹ! Chúng nó giàu thật… Đến nuôi heo cũng bằng
sữa.
Bữa vào Huế đánh giặc giữa những ngày xuân. Bị tấn công bất ngờ,
giặc chạy tóe loe. Dân mừng thấy bộ đội về, e phen này giải phóng, thống
nhất đến nơi. Các đồ bánh trái, gà heo dành cho ba ngày tết. dân mang ra
khao bộ đội. Trung đội của y vào một nhà có vẻ là công chức thành phố.
Ông chủ mới ngoài 40 tuổi, đi dạy học, tự khoe là “giáo sư đệ nhị cấp”, cô
vợ bán hàng tạp hóa kiêm chủ lò mì ngay dưới chân cầu Tràng Tiền. Vợ
chồng trẻ vậy mà có tới sáu đứa con. Chúng đứng sắp lớp, khoanh tay cúi
đầu lễ phép chào. “Cháu chào chú giải phóng ạ…”. Y và mấy anh bộ đội ở
trong nhà lấy làm mãn nguyện lắm. Gia chủ mời cả toán bộ đội 6 người
một bữa cơm thịnh soạn vào chiều mồng ba tết. Những anh bộ đội từ ngoài
miền Bắc vào lần đầu thỏa mắt xem chiêc tivi, vào trong nhà vệ sinh nhìn
ngó cái lavabo một lúc mới hiểu cần đi tiểu vào đâu. Cái chậu bàn để rửa
tay chứ không phải là cái chậu để rửa rau… Ở cái làng Lôi của y, người
nông dân nghèo chưa một ai được nhìn thấy những thứ đồ vật sang trọng
như vậy cả.
Muốn xem phim ư? Một vài tháng đội chiếu phim lưu động của tỉnh
của huyện về chiếu cho dân trong xã một hai buổi. Những ngày có phìm về
chiếu ở sân kho hợp tác xã hay bãi cỏ trước cửa đình, đấy là ngày hội của
cả năm làng ven bờ sông Cọi. Từ lúc hai giờ chiều, chiếc xe commăngca
quen thuộc của phòng văn hóa huyện đổ quân, đổ máy chiếu phim, phông
bạt xuống bãi cỏ trước cửa đình. Cả làng đã nháo như có hội. Lợn hợp tác
kêu eng éc. Ba bốn trai làng khỏe mạnh cởi trần xuống ao hợp tác xã hò hét
nhau lùa cá. Người lớn đang làm các công việc đồng áng cũng mau mau