nghĩ sao mình lại đẻ ra được một đứa con như thế. Vợ chồng bà hiếm muộn
đường con cái. Bốn lần sinh nở chỉ đậu được hai. Người chị của Đệ cách
cậu em 9 tuổi. Lúc Đệ nhập ngũ vào chiến trường đến năm thứ 2, chị Đệ
chỉ sau một trận cảm hàn rồi mất. Năm sau đến lượt Đệ báo tử. Nỗi đau
gậm nhấm hai vợ chồng già đến nỗi nghe tin con chết ông Đê ngã bệnh. Bà
Mít gan góc hơn nhưng trái tim bà tan nát. Từ ngày thằng Ca trở về làng
loan tin Đệ còn sống, chiêu hồi giặc. Và xã cho người xuống thu lại bằng
Tổ quốc ghi công, bà Mít càng buồn tủi hơn. Thêm những lời soi móc của
vài kẻ hay ngồi lê đôi mách rỉ tai nhau “thằng Đệ đảo ngũ, chiêu hồi…”, bà
càng đau đớn hơn. Như thể có lưỡi dao sắc nhọn chọc đúng tim bà. Đã có
lúc nghĩ quẩn, bà Mít muốn đi theo chồng. Có những buổi chiều đi làm về
ngồi hàng giờ bên bờ sông Cọi, để gánh cỏ một bên, dắt con bò tha thẩn, bà
Mít đã định nhẩy xuống sông. Ấy vậy mà bà không chết được. Như thể giời
bắt bà phải sống, phải chịu đựng sự nguyền rủa của những kẻ độc mồm độc
miệng. Sau ngày chồng chết bà Mít hiểu rằng không thể cam lòng sống nốt
những ngày tàn, chờ chết ở cái làng này. “Đi! Phải đi!”. Ý nghĩ ấy lóe sáng
trong đầu bà sau ngày bà làm mấy mâm cơm cúng ông Đê trăm ngày. Đêm
ấy bát chân nhang bày trước linh vị chồng tự nhiên bốc cháy. Giữa ánh lửa
chập chờn, đôi mắt của Đệ trên tấm ảnh lóe sáng như đồng lõa với ý nghĩ
của mẹ. Biết đi đâu? Bà con họ hàng không có ai. Chẳng lẽ bà sang làng
Võng ở nhờ nhà thông gia. Con gái của bà cũng đã mất. Anh con rể sau
ngày vợ chết chưa tới 2 năm đã ngược rừng đi làm công nhân lâm nghiệp
và lấy vợ mới ở Tuyên Quang… Ngày trước nghe thằng Ca kể, nó với anh
Đệ ở cùng một đơn vị chiến đấu tại mặt trận Huế… Sao giờ về phép nó lại
khoe gặp Đệ ở Ninh Hòa? Ninh Hòa, Nha Trang là đâu? Bà không biết.
Con trai bà nghe nói chiến đấu ở Huế kia mà! Trong một lá thư của Đệ gửi
về năm nảo năm nào lúc qua Hà Tĩnh kể rằng, mỗi ngày con bà phải đi bộ
từ 25 đến 30 cây số, qua binh trạm này đến binh trạm khác, mang vác ba lô,
súng đạn, gạo, muối mắm để có cái ăn dọc đường. Vậy bà cũng đi bộ. Đi
tới đâu, hỏi đường tới đó. Ngày trước bom đạn, con bà còn đi được vô
Nam. Bây giờ giặc giã đã tan, bà cũng sẽ đi bộ tìm đường vô Nam. Bà nghĩ
đơn giản, giá có chết dập, chết dụi ở dọc đường cũng không ai biết bà là ai,