chăm chú các giấy tờ. Bà Nhơn lườm lườm nhìn Hà Nghi:
- Hà Nghi! Tại sao cô hành động mà không thông qua chúng tôi?! Cô khinh
thường cậu mợ cô đến thế à?
Hà Nghi ấp úng:
- Cháu có làm gì đâu mợ.
Bà Nhơn cười gằng và thay đổi cách xưng hô:
- Mày bảo không làm gì à?
Rồi bà quay qua ông Nhơn:
- Đó, ông còn bênh vực cháu ông nữa thôi? Cháu ông hiền lành lắm mà.
Ông Nhơn bỏ giấy tờ xuống, nhìn Hà Nghi chằm chằm rồi hất hàm hỏi:
- Sao cháu không hỏi ý kiến cậu mợ về việc ấy? Cháu muốn làm gì thì làm
à?
Giọng bà Nhơn đầy vẻ hằn hoẹ:
- Cô nên nhớ trong nhà này chỉ có chúng tôi mới có quyền quyết định mọi
việc. Tại sao cô làm trái ý chúng tôi? Thật là uổng công nuôi dưỡng.
Hà Nghi cảm thấy đầu nhức nhói. Bà Nhơn lại nhắc đến chuyện ân nghĩa.
Lúc nào cũng làm ra vẻ ban ơn. Còn cô thì tệ bạc lắm vậy.
Ông Nhơn có vẻ điềm tĩnh hơn, nhưng lời lẽ ông thốt ra cũng làm cô nao
nao trong lòng.
- Cháu đã làm hại cậu rồi, cháu biết không?
- Cháu có làm gì đâu cậu?
Bà Nhơn cau mày đay nghiến tiếp:
- Ông thấy chưa? Nó có cần biết gì đến nỗi khổ của ông đâu. Thật tao chưa
thấy ai vô lương tâm như mày. Tại sao mày từ chối ông Thức?
Hà Nghi trở nên trầm lặng. Cuối cùng bà Nhơn cũng nói thẳng điều mà cô
cố né tránh. Cô nói thật nhỏ:
- Cháu đã nói với cậu mợ nhiều lần rồi, cháu không thể.
Bà Nhơn cướp lời:
- Mày chê ông Thức lớn tuổi à? Đời nay người ta không có phân biệt tuổi
tác. Mày không thấy mấy ông giàu sang, địa vị sao? Chưa có ai ngu như
mày.
Giọng ông Nhơn đầy tiếc nuối: