11.
C
hú Mặt Rỗ dặn dò ông Đỗ phải coi chừng con trâu, tất nhiên không
quên nhắc đi nhắc lại chuyện phải coi chừng chiếc xe đạp của Quách Hiếu
Thắng. Trâu không thể mất, bởi trâu sống không ai cần, trâu chết không thể
vác chạy được nhưng xe đạp thì dễ dàng bị lấy trộm, thậm chí là bị cướp,
chuyện này vẫn thường xuyên xảy ra trên địa bàn công xã. Dặn dò ông Đỗ
xong, một tay chú cầm tờ giấy khai tử của Song Tích mà lão Đổng vừa mới
cấp, một tay lôi tôi tiến thẳng vào khuôn viên trụ sở công xã.
Đây là lần đầu tiên tôi bước chân vào khu vực uy nghiêm và rộng thênh
thang này. Hai bên con đường lớn, hai hàng cây nhựa ruồi đều tăm tắp;
những dãy nhà mái ngói đỏ tươi cao ngất ngưởng như muốn đọ chiều cao với
những cây bạch dương; những câu khẩu hiệu đại tự trên tường… Tất cả như
đang khêu gợi tính tò mò hiếu động của tôi. Tôi cảm thấy mình bị kích thích
đến độ hưng phấn nhưng đồng thời cũng cảm thấy có một chút sợ hãi. Tôi có
cảm giác mình là một thằng ăn trộm vặt, tệ hơn nữa là giống như một tên đặc
vụ đang bị rất nhiều đôi mắt theo dõi, tim tôi đập loạn xạ, đôi mắt láo liên
nhìn đông liếc tây. Chú Mặt Rỗ hạ giọng quát:
- Cúi đầu xuống mà đi, không được liếc dọc liếc ngang như thế!
Chú Mặt Rỗ hỏi thăm một người đàn bà có gương mặt vô cùng vênh váo
đường đến văn phòng của chủ nhiệm Tôn, người quản lý toàn bộ số trâu
trong công xã. Lúc nãy khi nghe lão Đổng nói với chúng tôi rằng, chuyện
sinh lão bệnh tử của trâu trên toàn công xã nằm gọn trong tay người này,
trong lòng tôi thầm than thở là tại sao trên đời này lại có người nắm trong tay
quyền lực vô biên đến như thế! Toàn bộ trâu trong công xã chắc chắn không
dưới một nghìn, nếu sắp một hàng dễ có đến vài cây số, dàn ra mà đi e rằng
phải chật kín con phố trung tâm của công xã này. Bao nhiêu là trâu như thế
mà chỉ có một người quản lý, rõ ràng ông chủ nhiệm Tôn này rất có năng lực