trồng rau. Mảnh vườn này đã thấm không biết bao nhiêu mồ hôi của tôi,
trong đó chủ yếu là trồng rau hẹ, mỗi lứa có thể bán được đến bốn năm mươi
đồng, nhất là lứa đầu tiên vào mùa xuân thì càng đắt hơn nữa. Vừa nghĩ đến
vườn rau nhà ông Đỗ là chân tôi cũng vừa đặt đến vườn rau ấy. Chung quanh
vườn rau, ông Đỗ trồng toàn cây bào đồng, cây bào đồng đang rất tươi tốt,
xanh um. Nghe đâu rằng đây là loại cây bào đồng có chất lượng tốt nhất được
huyện Lan Khảo tặng cho khi cháu của ông ta còn làm bí thư đảng ủy công
xã. Chín luống rau hẹ đã cao khoảng nửa thước, không còn bao lâu nữa đã có
thể cắt để đem ra chợ rồi. Chỉ thoáng nhìn là tôi đã thấy ông Đỗ đang lúi húi
giữa những luống rau và tôi biết là ông ta đang tưới nước phân người cho rau.
Phân người là tài sản công cộng thuộc quyền quản lý của đội sản xuất, nhưng
ông Đỗ lại to gan lén lén lút lút dùng nó để tưới cho vườn rau cá thể nhà
mình. Ông ta dựa vào thế lực nào nhỉ? Ông ta dựa vào gã con rể đang làm
cấp dưỡng trong nhà ăn công cộng trên công xã. Gã con rể này gầy như một
con bọ ngựa. Nghe nói rằng những người đã từng nhận chức cấp dưỡng ở nhà
ăn công xã, trước khi đến đó đều gầy như con bọ ngựa cả, nhưng không đầy
một năm sau, ai ai cũng như được bơm căng không khí, mập đến độ đi không
nổi mà phải lăn. Bí thư đảng ủy công xã rất tức giận, bảo những cái gì ngon
nhất trong nhà ăn đều đã bị những tay cấp dưỡng này ăn vụng. Cho nên tất cả
các tay cấp dưỡng nhanh chóng mập lên trước đây đều bị bí thư sai người
đánh cho một trận rồi đuổi việc. Duy chỉ có con rể ông Đỗ đã làm cấp dưỡng
mấy năm nay mà vẫn gầy như ngày mới đến, bí thư bèn bảo tay cấp dưỡng
này chán ăn. Ông Đỗ đã thổ lộ với tôi rằng, kỳ thực thằng con rể của ông ăn
rất nhiều, mỗi bữa ăn của gã phải có ba chiếc bánh bao to cộng với một bát
thịt đầy ú ụ. Như thế nào thì gọi là cái bụng có phúc? Ông Đỗ nói, chính là
thằng con rể của tao đáng được gọi là “cái bụng có phúc”, ăn không biết bao
nhiêu là cá là thịt, quả không uổng một lần được làm người trên thế gian
này…