- Dựa vào cái gì mà ông được giành cái quyền ấy? Tôi thu toàn bộ sức
lực để vùng ra khỏi tay ông ta, gào lên.
- Tuổi tao lớn hơn mày! - Ông Đỗ nói - Tao còn có việc muốn hỏi ý kiến
của đội trưởng!
Ông Đỗ đẩy tôi đến trước đầu ba con trâu, nói:
- Mày phải để ý đấy nhé, chớ cho bọn chúng nằm xuống!
Không chờ tôi nói thêm, ông ta đã hùng hùng hổ hổ xông vào nhà chú
Mặt Rỗ.
Máu nóng bốc lên đầu tôi. Tôi thấy ngay trước mắt mình cảnh tượng
ông ta đang bê bát xào vốn là của tôi lùa một cách vội vã vào cái mồm xấu xí
của ông ta và nuốt vội nuốt vàng xuống dạ dày. Lỗ Tây lớn, Lỗ Tây nhỏ,
Song Tích! Bọn trâu mất dái chúng mày muốn nằm thì cứ nằm đi nhé! Chúng
mày không sợ làm cho vết thương mở miệng thì chúng mày cứ nằm xuống
vậy! Kể ra chúng mày sống như thế cũng đã đủ lắm rồi. Tao vốn là một thằng
bé nổi danh ngỗ nghịch và quái ác lâu nay ở trong thôn, không đời nào tao để
cái vốn thuộc về tao cho ông Đỗ giật khỏi miệng đâu! Tôi để bọn chúng đứng
ở ngoài đường, lặng lẽ đi vào sân nhưng không dám tiến thẳng vào nhà vì rất
sợ chú Mặt Rỗ. Tôi quan sát thật kỹ động tĩnh rồi nhẹ nhàng tiến đến cánh
cửa được dán bằng một lớp giấy mỏng trên khung của nhà bếp. Bắt chước
những câu chuyện xưa, tôi thè lưỡi liếm cho ướt giấy rồi đưa ngón tay khoét
một lỗ tròn. Ghé mắt qua chiếc lỗ bằng đồng xu, tôi nhìn vào trong. Vật đầu
tiên đập vào mắt tôi đương nhiên là một chiếc mâm với ba chiếc bát đặt trên
chiếc bàn gỗ sơn đỏ, chiếc thứ nhất chỉ còn sót lại mấy cọng rau hẹ, chiếc thứ
hai cũng chỉ còn sót lại mấy cọng rau hẹ dính quanh, chiếc thứ ba vẫn còn
thừa lại một ít thịt dái trâu lẫn lộn với rau hẹ. Ngoài ba chiếc bát trên, trong
mâm còn có hai chiếc cốc uống rượu, hai đôi đũa màu đỏ. Trên bàn còn có
một chai thuốc trừ sâu màu lục, đương nhiên lúc này nó không đựng thuốc
trừ sâu nữa mà chú Mặt Rỗ dùng nó để đựng rượu. Thời ấy, người ở quê tôi