thường rất thích dùng chai đựng thuốc trừ sâu để đựng rượu. Sau khi dùng
hết thuốc, chúng tôi thường vứt vỏ chai xuống sông ngâm bốn năm ngày, sau
đó vớt lên và dùng đựng rượu. Chú Mặt Rỗ bảo rằng, dùng chai thuốc trừ sâu
đựng rượu thì mùi rượu rất thơm. Trên giường, lão Đổng và chú Mặt Rỗ ngồi
đối diện nhau, giữa hai người là chiếc bàn thấp bằng gỗ sơn đỏ, sáng lóa như
vỏ quả cà. Đây là của hồi môn mà thím Quản mang về nhà chồng trong ngày
cưới, là bảo vật đáng giá nhất trong nhà chú Mặt Rỗ lúc này, nếu không phải
là khách quý, chẳng đời nào chú chịu đem ra dùng. Tôi nghĩ thầm: Lão đồng
chí Đổng ơi! Đúng là cái mặt của lão cũng đáng giá lắm đấy! Thím Quản
đang ngồi nghiêng nghiêng trên mép giường bên cạnh chú Mặt Rỗ, gương
mặt đỏ bừng, xem ra thím cũng đã uống một ít rượu rồi. Cuối cùng, tôi không
thể không nhìn lướt qua gương mặt đáng ghét của ông Đỗ, ông ta đang ngồi
trên một chiếc ghế đẩu cạnh đầu giường. Tôi chửi thầm: Lão Đỗ Ngọc Dân
chết đâm kia! Rõ ràng lão đã hứa là sẽ gả Đỗ Ngũ Hoa cho tôi nhưng lại lén
lút gả cho thằng thợ mộc làng bên! Đỗ Ngọc Dân là tên thật, nhưng chúng tôi
vẫn thường gọi ông ta là Đỗ Lỗ Môn. Lão Đỗ Lỗ Môn ấy đang ngồi trên
chiếc ghế đẩu, hai tay đặt lên đầu gối, lưng thẳng ngực ưỡn, trông chẳng khác
nào đứa học sinh lớp một ngồi trước mặt cô giáo. Dưới cằm ông ta có một
nhúm râu trông như râu sơn dương, khuôn mặt dài ngoẵng, môi trên ngắn,
môi dưới dài; không những môi dưới rất dài mà còn rất to. Đôi mắt của ông
ta mới kỳ lạ hơn nữa, bên to bên nhỏ. Sở dĩ có một mắt to là vì lúc nhỏ, trên
mí mắt có mọc một cái nhọt to tướng. Lúc này thì con ngươi trong con mắt to
ấy lại đứng im trong khi con ngươi trong con mắt nhỏ cứ đảo qua đảo lại.
Ông ta đang mặc một chiếc áo bông to sụ màu đen có một hàng cúc bằng
đồng, nghe đâu ông ta đã khoe với mọi người rằng, đây là những hạt cúc áo
từ đời ông nội truyền lại. Hàng cúc áo đang lấp lóa, đầu ông ta cũng đang lấp
lóa. Tôi nghe lão lắp bắp nói: