cơ mà! - Chú Mặt Rỗ nói.
- Đồng chí Đổng, ông thử nói xem, trâu sau khi bị thiến thì nên tẩm bổ
một tí không? - Ông Đỗ hỏi.
Lão Đổng đưa mắt nhìn chú Mặt Rỗ nói:
- Nếu có điều kiện thì đương nhiên tẩm bổ một tí; không có điều kiện thì
thôi cũng được. Suy cho cùng, trâu cũng chỉ là loài súc sinh thôi!
- Ông còn việc gì nữa không? - Chú Mặt Rỗ hỏi. - Không còn việc gì thì
ra ngoài mà dắt trâu đi, thằng La Hán là khỉ thành tinh, không tin được.
- Tôi đi ngay đây - Đỗ Lỗ Môn đứng dậy rồi dường như sực nhớ ra điều
gì, nói - Chỉ lo nói chuyện, suýt tí nữa thì quên một chuyện quan trọng.
Chú Mặt Rỗ đưa mắt nhìn ông ta, hình như cái nhìn của chú đã thấy hết
tâm can của Đỗ Lỗ Môn.
- Thằng rể lớn nhà tôi nghe nói đội chúng ta đang thiến trâu nên đã vội
vã về nhà - Ông ta đưa mắt nhìn vào mâm, nói tiếp - Nó bảo, bí thư đảng ủy
công xã Trần rất thích món dái trâu nên bảo nó về đây mang lên cho bí thư.
Tôi bảo, mày về đến đây thì đã muộn, đừng nói là sáu hòn dái mà sáu mươi
hòn dái cũng đã chui tọt vào trong bụng của đội trưởng Quản! Thằng rể tôi
sợ là quay về sẽ bị quở trách, tôi bèn bày cho nó nói rằng, đội trưởng Quản
đã đem mấy hòn dái trâu ấy biếu cho ông Trương gia đình liệt sĩ ăn rồi, ông
Trần có không vui cũng chẳng nói được gì đâu. Thằng rể tôi bảo, bố thật là
nhanh trí, kế của bố tuyệt hay. Nó còn dặn tôi là hãy bày cách chế biến dái
trâu lại cho mọi người. Trước tiên là cho vào một ít dấm, một chút rượu
mạnh, một ít tỏi, nếu có hoa hồi thì cũng nên cho vào một vài cánh rồi đem
hầm, như thế cho dù không lọc gân cũng chẳng dai, lại không tanh chút nào.
Nếu không cho những gia vị ấy vào, có làm gì đi chăng nữa thì cũng không
hết mùi tanh - Ông ta cầm một chiếc đũa của lão Đổng lên, khoắng vào bát
thịt, đưa lên miệng nhấm rồi nhận xét: Các vị chỉ xào với rau hẹ thôi sao?