7.
Quả nhiên là buổi sáng hôm ấy, ông Đỗ không hề nuốt lời, đã mời tôi đến
nhà và chiêu đãi một bát miến. Vợ ông ta, tức là mẹ Đỗ Ngũ Hoa lại rất nhiệt
tình và thân thiết. Lúc tôi ăn, bà ấy không ngừng đổ thêm nước vào trong bát
miến của tôi, cứ như sợ không có nước tôi sẽ bị nghẹn. Đỗ Ngũ Hoa ngang
ngược hỏi mẹ:
- Mẹ cứ chêm nước vào bát của nó để làm gì?
- Ăn cơm uống nhiều nước, còn hơn uống thần dược! - Mẹ cô ta nói.
Đỗ Ngũ Hoa không thèm quan tâm đến mẹ nữa, cầm một quả trứng vịt
muối bỏ vào trong bát tôi. Khi thấy quả trứng vàng vàng bóng loáng đã nằm
yên trong bát miến, bà Đỗ đưa mắt lườm Đỗ Ngũ Hoa, còn cô ta thì giả vờ
như không biết. Ngay cả Đỗ Ngũ Hoa còn giả vờ không hề hay biết gì đến
thái độ của mẹ thì việc gì tôi phải để ý cho nhọc xác. Chẳng khách khí gì cả,
chỉ cần một lần há mồm là quả trứng đã trôi tuột vào trong bụng tôi. Sở dĩ tôi
ăn nhanh đến như vậy vì trong bụng vẫn cứ nghĩ là nếu không tranh thủ, e
rằng bà Đỗ sẽ thò muôi vào bát tôi mà đoạt lại thôi. Trong lúc tranh thủ nhét
nó vào miệng mình, tôi chẳng có tâm trạng nào mà thưởng thức mùi vị của
nó, riêng chuyện này thì đáng tiếc thật. Nhưng cũng không nên tiếc nuối làm
gì, bởi khi tôi quyết định cho quả trứng vào mồm thì cũng là lúc cánh tay
muốn cướp lại nó của bà Đỗ đã vươn đến trước miệng bát của tôi. Rút cánh
tay cướp hụt về, bà Đỗ điên tiết nói:
- Cậu thật là quá đáng, đúng là loại trẻ con có bố mẹ sinh thành nhưng
không có bố mẹ giáo dục! Người ta ăn trứng vịt muối là ăn từ từ để còn
thưởng thức mùi vị của nó, nhưng cậu thì chỉ một miếng là xong!
Chẳng chờ tôi biện hộ, Đỗ Ngũ Hoa đã thay tôi lên tiếng chỉ trích mẹ: