hẹp vừa quá nhiều góc cạnh, tôi còn sợ là cành liễu sẽ chạm vào vết thương
nên không dám xua mạnh và tất nhiên không thể đuổi được bọn nhặng đói đi
hết được.
Ông Đỗ bảo tôi trông chừng Song Tích rồi đi tìm chú Mặt Rỗ báo cáo
bệnh tình của nó. Một lát sau, ông ta quay lại, mặt giận hằm hằm nói:
- Thằng chú mặt rỗ nhà mày chẳng thèm quan tâm, chưa nghe hết đã nói
không sao không sao. Mẹ nó chứ, chưa xem xét gì cả đã biết không có
chuyện gì.
Đêm đó, hai con Lỗ Tây đã bắt đầu nhai cỏ trở lại, riêng bệnh tình của
Song Tích thì càng lúc càng nặng hơn.
Đến sáng hôm sau, chúng tôi không cần phải chăm sóc hai con Lỗ Tây
nữa, ông Đỗ bảo tôi dắt chúng về trại chăn nuôi của đội sản xuất để có thời
gian chăm sóc cho Song Tích. Một trước một sau, chúng tôi tiếp tục dắt nó đi
lại trên đường trong tư thế cảnh giác cao độ, bởi Song Tích có thể nằm lăn ra
đường bất cứ lúc nào.
Chúng tôi dắt Song Tích đến trại chăn nuôi của đội. Ông Đỗ xách ra một
thùng nước đặt trước mặt Song Tích, nhưng nó chỉ cúi đầu xuống thè lưỡi
liếm vài lần rồi ngước lên ngay, những cọng lông trên mép trông như những
sợi râu thấm ướt nước, ba bốn giọt nước rơi xuống trông như những giọt
nước mắt. Và quả thật, hốc mắt nó đầy nước và đang trào ra ngoài làm ướt cả
một vạt lông dưới mắt. Ông Đỗ chạy vào gian nhà kho dùng một chiếc gáo
sắt méo mó xúc đầy một gáo bánh ép hạt bông. Đây là thức ăn tốt nhất của
trâu thời ấy, nhưng nếu ăn quá nhiều thì trâu có thể ỉa ra máu. Chỉ có những
con trâu làm việc nặng và trâu mất sức mới được ăn một ít bánh ép hạt bông
này.
Ông Đỗ đổ toàn bộ bánh ép hạt bông vào trong thùng nước rồi thò chiếc
gáo vào khuấy đều, nói với Song Tích bằng một giọng hết sức thân tình: