Chương 4: SÂU TRONG TRANG GIẤY
Từ khi bắt đầu biết viết, con người đã để lại dấu vết lên bất cứ thứ gì có ở
xung quanh - phiến đá nhẵn, miếng gỗ, mảnh vỏ cây, mảnh vải, khúc
xương, mảnh gốm vỡ. Những thứ dễ hỏng như vậy là phương tiện nguyên
thủy của chữ viết. Chúng có ưu điểm là rẻ và có nhiều, nhưng nhược điểm
là nhỏ, hình dạng không đồng đều và dễ mất, dễ vỡ hoặc dễ hỏng. Chúng
phù hợp để khắc và ghi nhãn, có thể để viết ghi chú hay thông báo ngắn,
nhưng không thể dùng cho việc gì khác. Không ai nghĩ sẽ để lại một suy
nghĩ sâu sắc hay một luận điểm dài hơi lên một viên đá cuội hay một mảnh
sành.
Người Sumerian là những người đầu tiên sử dụng một phương tiện chuyên
dụng cho chữ viết. Họ khắc loại chữ hình nêm của họ một cách tỉ mỉ vào
những tấm đất sét, thứ tài nguyên dư thừa ở Mesopotamia. Họ rửa đất sét,
tạo thành tấm mỏng, dùng cây sậy vót nhọn để khắc chữ, sau đó để khô
dưới nắng hoặc trong lò. Tài liệu chính trị, thư tín thương mại, hóa đơn, và
thỏa thuận pháp lý đều được viết vào những tấm đất sét lâu bền. Tiếp đến là
các tác phẩm dài hơn, mang tính văn học hơn, như truyện lịch sử, tôn giáo
và bản tường thuật các sự kiện đương thời. Để thuận tiện cho những văn
bản dài, người Summerian thường đánh số các tấm đất sét, từ đó tạo ra một
loạt các “trang” đất sét, tiên liệu hình thức của cuốn sách hiện đại. Các tấm
đất sét tiếp tục là phương tiện viết chữ phổ biến trong nhiều thế kỷ, nhưng
vì khâu chuẩn bị, vận chuyển và lưu trữ khó khăn, chúng chỉ được những
người chuyên chép chữ dùng và chỉ dành cho những tài liệu trang trọng.
Việc viết và đọc vẫn là những biệt tài ít người biết.
Khoảng năm 2500 Trước Công nguyên, người Ai Cập bắt đầu sản xuất giấy
cuộn từ cây cói mọc ở châu thổ sông Nile. Họ lấy sợi cây cói, đan chéo
chúng và làm ẩm để loại bỏ nhựa cây. Nhựa cây giúp gắn sợi cói thành tấm