Tất cả những ai không phải là chuyên gia tài chính rất có thể sẽ đón nhận
những thủ đoạn này với sự hoang mang nhất định. Mọi hoạt động khác trong công
việc kinh doanh – như marketing, nghiên cứu và phát triển, quản lý nhân sự, xây
dựng chiến lược, v.v… – đều mang tính chủ quan thấy rõ, chúng là những vấn đề
phụ thuộc vào kinh nghiệm, các phán đoán và dữ liệu. Vậy còn tài chính? Và cả kế
toán nữa? Chắc chắn các con số mà những bộ phận này tạo ra đều khách quan,
trắng đen rõ ràng, miễn bàn cãi. Chắc chắn, doanh nghiệp đã bán những gì đã bán,
đã tiêu những gì đã tiêu, đã thu những gì đã thu. Ngay cả khi gian lận diễn ra, trừ
phi doanh nghiệp thực sự gửi đi những thùng các-tông rỗng, còn không làm sao các
nhà điều hành có thể dễ dàng biến hóa cho mọi thứ trông quá khác với thực tế
được? Và nếu không gian lận, làm thế nào họ có thể ngụy tạo kết quả kinh doanh
dễ dàng đến vậy?
NGHỆ THUẬT TÀI CHÍNH
Thực tế là, kế toán và tài chính, cũng như mọi kiến thức kinh doanh kia cũng
mang tính nghệ thuật không kém gì tính khoa học. Bạn có thể gọi đó là bí quyết
tuyệt mật của giám đốc tài chính hoặc kế toán trưởng, ngoại trừ việc nó chẳng phải
là bí quyết, mà là một chân lý được thừa nhận rộng rãi, ai làm trong ngành tài chính
cũng đều biết. Vấn đề là những kẻ còn lại trong chúng ta lại thường quên mất điều
đó. Chúng ta tưởng rằng, khi một con số xuất hiện trên báo cáo tài chính hoặc trong
các báo cáo mà bộ phận tài chính gửi lên ban quản lý, con số đó chắc chắn phải
phản ánh đúng thực tế.
Hiển nhiên, thực tế là điều này không phải lúc nào cũng đúng, bởi ngay cả
những người đang kiểm soát các con số cũng không thể biết hết mọi điều. Họ
không thể biết chính xác mỗi ngày các thành viên trong doanh nghiệp làm gì, thế
nên họ không biết chính xác phải phân bổ chi phí ra sao. Họ không thể biết chính
xác một thiết bị sẽ hoạt động trong bao lâu, thế nên họ không biết phải ghi nhận
mức khấu hao là bao nhiêu cho một năm cụ thể từ chi phí ban đầu đã bỏ ra để mua
thiết bị đó. Nghệ thuật − tài chính kế toán là nghệ thuật sử dụng những dữ liệu hạn
chế để đến gần nhất có thể với một mô tả chính xác về tình trạng hoạt động của
doanh nghiệp. Tài chính − kế toán không phải là thực tế, mà là phản ánh thực tế, và
tính chính xác của sự phản ánh đó phụ thuộc vào năng lực của kế toán viên và
chuyên gia tài chính trong việc đưa ra những giả định và ước tính hợp lý.
Đây là một công việc đau đầu. Có lúc họ phải định lượng những thứ không dễ
định lượng. Có lúc họ lại phải đưa ra những phán đoán khó phân định về cách phân