22. CÁC HỆ SỐ THANH TOÁN
Chúng ta có thể thanh toán hóa đơn không?
Các hệ số hay tỷ lệ thể hiện khả năng thanh toán cho biết khả năng đáp ứng
mọi trách nhiệm tài chính của doanh nghiệp – không chỉ là trả nợ, mà còn là trả
lương, thanh toán tiền hàng cho nhà cung cấp, đóng thuế, v.v… Những tỷ lệ này
đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ − những doanh nghiệp thường rơi
vào nguy cơ cạn tiền, nhưng chúng cũng trở nên quan trọng đối với một doanh
nghiệp lớn, khi doanh nghiệp này gặp phải các rắc rối tài chính. Chúng tôi không
định nói đi nói lại quá nhiều về các hãng hàng không, nhưng một lần nữa đây lại là
ngành đáng chú ý. Bạn có thể đặt cược rằng trong suốt nhiều năm kể từ sau biến cố
năm 2001, các nhà đầu tư và những người mua trái phiếu chuyên nghiệp đã theo
dõi rất sát sao các tỷ lệ thể hiện khả năng thanh khoản của một số hãng hàng không
lớn.
Một lần nữa, chúng tôi xin được giới hạn ở hai tỷ lệ phổ biến nhất.
HỆ SỐ THANH TOÁN NGẮN HẠN
Hệ số thanh toán ngắn hạn (current ratio) đo lường tương quan giữa tài sản
ngắn hạn của doanh nghiệp so với các khoản nợ ngắn hạn. Hãy nhớ lại các chương
về bảng cân đối kế toán (Phần III), trong thuật ngữ kế toán, nhìn chung “ngắn hạn”
(current) có nghĩa là một giai đoạn kéo dài không quá một năm. Vì vậy, tài sản
ngắn hạn là những tài sản có thể được chuyển thành tiền mặt trong vòng không quá
một năm; con số này thường bao gồm các khoản phải thu, hàng tồn kho, cũng như
tiền mặt. Các khoản nợ ngắn hạn là những khoản nợ mà doanh nghiệp phải thanh
toán trong vòng một năm, chủ yếu bao gồm các khoản phải trả và các khoản nợ
ngắn hạn.
Công thức và phép tính mẫu cho hệ số thanh toán ngắn hạn có dạng như sau:
Hệ số thanh toán
ngắn hạn
=
Tài
sản
ngắn hạn
=
2.750
=
2,34
Nợ
ngắn
hạn
1.174
Tỷ lệ này cũng có thể xuống quá thấp, hoặc có thể lên quá cao. Ở hầu hết các
ngành, hệ số thanh toán ngắn hạn được coi là quá thấp khi nó tiệm cận gần đến 1.
Tại mức này, bạn chỉ đủ khả năng thanh toán những khoản nợ sắp đến hạn bằng số