tiêu đáng giá với nó hơn với thị trường chứng khoán. Và tất nhiên, có hàng triệu
doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân không hề có giá trị trên thị trường. Khi mua
hoặc bán chúng, người bán và mua phải dựa vào các phương pháp định giá khác.
Nói về nghệ thuật tài chính: phần lớn khía cạnh nghệ thuật ở đây nằm ở việc
lựa chọn phương pháp định giá. Các phương pháp khác nhau sẽ cho ra những kết
quả khác nhau − những kết quả mà, hẳn nhiên, sẽ tiêm nhiễm định kiến vào các con
số.
Chẳng hạn, giả sử công ty của bạn đề xuất mua lại một nhà sản xuất van công
nghiệp có cổ phần nằm chủ yếu trong tay một số ít cổ đông. Công ty này rất phù
hợp với công ty bạn – đây là một vụ mua lại “chiến lược” – nhưng bạn nên trả bao
nhiêu thì hợp lý? Chà, bạn có thể nhìn vào lợi nhuận của công ty van này, rồi lên thị
trường chứng khoán để xem thị trường định giá những công ty tương tự ra sao
trong mối tương quan với lợi nhuận của chúng. (Đây là phương pháp tỷ suất giá
trên lợi nhuận). Hoặc bạn cũng có thể nhìn vào số tiền mặt mà công ty van đó tạo ra
mỗi năm, và hình dung thực tế là bạn đang mua dòng tiền đó. Sau đó, bạn sẽ sử
dụng một mức lãi suất nào đó để xác định dòng tiền tương lai đó có giá trị bao
nhiêu ở thời điểm hiện tại. (Đây là phương pháp chiết giảm dòng tiền). Ngoài ra,
bạn có thể đơn giản nhìn vào tài sản của công ty − máy móc, thiết bị, hàng lưu kho,
v.v… cùng với các tài sản vô hình như danh tiếng của công ty và danh sách khách
hàng − để ước tính giá trị (phương pháp định giá tài sản).
Hẳn nhiên, mỗi phương pháp lại đòi hỏi một tập những giả định và ước tính.
Ví dụ, phương pháp tỷ suất giá trên lợi nhuận giả định rằng thị trường chứng khoán
khá duy lý, do đó mức giá mà nó xác lập sẽ chính xác. Nhưng tất nhiên, thị trường
không phải lúc nào cũng duy lý; khi thị trường sốt giá, giá của công ty mục tiêu sẽ
cao hơn so với khi thị trường trầm lắng. Bên cạnh đó, bản thân con số “lợi nhuận”,
như chúng ta sẽ thấy ở Phần 2, cũng chỉ là một ước tính mà thôi.
Có lẽ vì thế bạn sẽ cho rằng chúng ta nên dùng phương pháp chiết giảm dòng
tiền. Vấn đề với phương pháp này là, đâu là mức lãi suất hay mức “chiết giảm”
chuẩn để sử dụng khi tính toán giá trị dòng tiền? Tùy theo mức chúng ta xác lập,
giá có thể rất khác nhau. Và tất nhiên, bản thân phương pháp định giá tài sản cũng
chỉ thuần tuý là một tập hợp những dự đoán về giá trị của từng tài sản.
Cứ như thể là những yếu tố bất định này vẫn còn chưa đủ, chúng ta hãy nhớ
lại thời kỳ thú vị, quá khích và căng thẳng được biết đến với tên gọi “sự bùng nổ
dot-com” diễn ra cuối thế kỷ XX. Những công ty Internet non trẻ và đầy tham vọng