Bạn có thực sự biết liệu chủ doanh nghiệp có đủ tiền mặt để trả lương không?
Bạn có biết các sản phẩm hay dịch vụ mà bạn làm ra mang lại lợi nhuận ra sao
không? Liên quan đến những đề xuất chi phí đầu tư cơ bản, phân tích tỷ lệ hoàn
vốn đầu tư có dựa trên những dữ liệu vững chắc không? Hãy tăng cường trí tuệ tài
chính của mình, và bạn sẽ có được những kiến giải sâu sắc hơn cho những câu hỏi
trên. Hoặc có lẽ bạn vừa gặp phải cơn ác mộng mà trong đó, bạn làm việc tại
Enron, hoặc Global Crossing, hoặc có thể là Sunbeam. Nhiều người ở đó không có
chút ý niệm nào, dù là mơ hồ, về tình trạng bấp bênh của công ty mình.
Chẳng hạn, giả sử bạn làm việc cho ông lớn viễn thông WorldCom (về sau đổi
tên thành MCI) trong giai đoạn cuối thập niên 1990. Chiến lược của WorldCom là
tăng trưởng qua mua lại. Vấn đề là, tiền mặt mà công ty làm ra không đủ để cáng
đáng những vụ mua lại mà công ty muốn thực hiện. Vì vậy, công ty đã sử dụng cổ
phiếu như một loại tiền tệ, và mua lại các công ty khác phần nào bằng cổ phiếu.
Điều này có nghĩa là công ty phải giữ cho giá cổ phiếu ở mức cao; nếu không, các
vụ mua lại sẽ rất đắt đỏ. Điều đó cũng có nghĩa là công ty phải giữ lợi nhuận ở mức
cao, để Phố Wall định giá cao cho công ty. WorldCom đã vay mượn để trả cho
những cuộc mua lại này. Một công ty vay nợ quá nhiều sẽ phải đẩy lợi nhuận lên
cao; nếu không, ngân hàng sẽ dừng cho vay. Thế nên, WorldCom phải chịu sức ép
nặng nề trong việc báo cáo có lợi nhuận cao từ cả hai phía.
Đó tất nhiên là nguồn gốc của vụ gian lận mà cuối cùng cũng lộ chân tướng.
Công ty đã đẩy lợi nhuận “bằng đủ loại thủ đoạn kế toán, bao gồm khai bớt chi phí
và xếp các chi phí hoạt động vào chi phí đầu tư cơ bản,” theo bản tóm tắt cáo trạng
từ Bộ Tư pháp được đăng trên tờ BusinessWeek. Khi tất cả mọi người vỡ lẽ rằng
WorldCom không có khả năng sinh lời như họ tuyên bố, toàn bộ khối xếp hình đổ
sụp xuống. Nhưng ngay cả nếu không gian lận, khả năng làm ra tiền mặt của
WorldCom cũng sẽ lỗi nhịp với chiến lược tăng trưởng qua mua lại của công ty.
Công ty có thể tồn tại nhờ vay nợ và cổ phiếu trong một thời gian, nhưng điều đó
không thể kéo dài mãi mãi.
Hoặc hãy nhìn vào Tyco International. Bên cạnh mọi câu chuyện tin tức về
bữa tiệc sinh nhật hoành tráng của Dennis và chiếc giá để dù có giá cả nghìn tỷ đô-
la, lại là một câu chuyện khác rất ít được nói đến. Trong suốt thập niên 1990, Tyco
cũng là một ông lớn chuyên mua lại các công ty khác. Chỉ trong vòng hai năm,
công ty đã mua đến 600 công ty, tức là trong mỗi ngày làm việc, công ty mua ít
nhất một công ty. Với tất cả các vụ mua lại như vậy, con số lợi thế thương mại trên