chăng mọi nòi bồ câu khác biệt thời nay có những tổ tiên cùng màu lông (dù
chúng thuộc loài khác), và hiện nay chúng đều bị tuyệt chủng nơi hoang dã
hoặc ít ra là người ta đã không quan sát thấy chúng? Nào, nào, thật đáng
kinh ngạc làm sao…
Vậy nếu có lẽ là sự chọn lọc nhân tạo có thể tạo ra những tác động
trong một thời gian tương đối ngắn, thì liệu có một nguyên tắc tự nhiên về
tuyển chọn có thể tạo những tác động ở phạm vi tương tự hoặc ở phạm vi
lớn rộng hơn nhiều, căn cứ vào khoảng thời gian vô cùng lâu dài được thêm
vào? Có thể, vì cuộc ‘cạnh tranh sinh tồn’ (mà về nó Darwin đã viết một
chương rất lôi cuốn) loại bỏ nhiều cá thể trước khi chúng có thể sinh sản.
Một con bồ câu đuôi quạt có lẽ chỉ giao phối nếu nó hợp mắt người nuôi;
một con bồ câu hoang sẽ không giao phối trừ phi nó chống đỡ được cuộc
cạnh tranh sinh tồn đủ lâu dài để đạt tới tuổi trưởng thành. Cái được tuyển
chọn trong hai trường hợp trên rõ ràng là khác nhau. Trong trường hợp thứ
hai, đó là khả năng chống đỡ những điều kiện môi trường/sinh thái địa
phương, và nếu những điều kiện này trở nên khắc nghiệt thì quá trình tuyển
chọn sẽ có hiệu quả khốc liệt.
Một khi những ý nghĩ như vậy khiến chúng ta thấy rằng sự thay đổi rất
lớn là có thể đã xảy ra, thật sự là rất có thể đã xảy ra, và khi chúng ta nhớ lại
(điều mới chỉ trở nên rõ ràng với những nhà địa chất học khi Darwin còn là
một chàng trai) rằng những quá trình này có thể đã diễn ra trong một thời
gian dài tới mức hầu như ta không thể tưởng tượng nổi, thì một số nhận xét
sẽ tác động đến ta theo cách khác, giống như những nhận xét mà Darwin
đưa ra trong một số câu hiếm hoi ở đó con người được nhắc tới: ‘Cấu trúc
khung của những xương là như nhau ở bàn tay của người, ở cánh của con
dơi, ở vây của cá heo, và ở chân của ngựa - cùng một con số những xương ở
đốt sống hình thành cái cổ của con hươu cao cổ và của con voi… tất cả
những điều đó tức khắc tự giải thích trên cơ sở lí thuyết về dòng dõi qua
những biến đổi chậm chạp và nhẹ nhàng kế tiếp nhau.’