thuộc vào những lạc thú thuộc loại sau dẫn tới âu lo: vì bạn có thể bị mất đi
những phương tiện để đạt được chúng (Ý tưởng rằng chủ thuyết Epicurus là
một tiệc chiêu đãi không bao giờ dứt, với các nhạc công và các cô gái nhảy
múa, là hoàn toàn sai lạc - ý tưởng đó hẳn phải được truyền tới chúng ta
thông qua những đối thủ của Epicurus, vốn rất đông đảo).
Một nguyên nhân gây ra nhiều rối loạn tinh thần là nỗi sợ có tính dị
đoan. Hãy xua đuổi nó khỏi tâm trí. Hãy hiểu rằng trong niềm hạnh phúc vô
biên của họ, các thần linh chẳng cần cũng chẳng muốn can thiệp vào những
vụ việc của loài người. Hãy chịu học về vật lí học, thiên văn học, và khí
tượng học đủ để cảm thấy tự tin rằng mọi hiện tượng đều có những giải
thích thuộc về tự nhiên - chúng không phải là những điềm báo, những dự
triệu, hoặc những dấu hiệu của cơn cuồng nộ thần thánh.
Và đừng sợ chết, vì cái chết thì hoàn toàn là không hiện hữu, thế nên
chẳng có gì để phải sợ. Đó, nói ngắn gọn, là lời khuyên của Epicurus dành
cho mỗi người chúng ta. Không theo lời khuyên đó, bạn sẽ có thể làm điều
tệ hại hơn. Tất nhiên sẽ chẳng còn nhà chính khách nào nếu tất cả chúng ta
đều làm theo lời khuyên đó; nhưng có lẽ chúng ta có thể chịu đựng được
điều đó.
Epicurus đã dạy cho cá nhân là phải được chuẩn bị chính trong nội tâm
để chống đỡ bất kì điều gì xảy tới. Hơn hai ngàn năm sau, John Stuart Mill
đã viết một tiểu luận gây chấn động nhằm bênh vực cái quyền của mọi cá
nhân được quyết định cuộc sống của chính mình. Trong tiểu luận nổi tiếng
On Liberty (1859)
ông biện minh cho điều được biết đến dưới tên gọi
Harm Principle [Nguyên Tắc Không Hại Tới Ai]: ‘Mục đích duy nhất mà
nhờ nó quyền lực có thể được hành xử đúng đắn đối với bất kì thành viên
nào của một cộng đồng văn minh…. là ngăn ngừa không để tổn hại tới
những người khác’. Khi những hệ thống chính quyền dân chủ trở nên được
củng cố, vững mạnh hơn ở châu Âu và châu Mĩ, chúng cũng được hiểu rõ
hơn, và Mill đã nhận diện được một mối hiểm nguy tiềm ẩn; sự chuyên chế
của đa số đối với cá nhân và đối với những nhóm thiểu số.
J. S. Mill, Bàn về tự do, Nguyễn Văn Trọng, NXB Tri thức, 2005.