của chúng ta; khi chúng ta đọc những gì ông viết về vũ trụ luận, chúng ta
thấy đó là chúng ta quay ngược trở lại một thời đại hoàn toàn khác; nhưng
cuộc thảo luận này về một vấn đề đạo đức cụ thể, ‘Tôi nên làm gì trong
trường hợp này?’ hầu như có thể đã xảy ra chỉ mới ngày hôm qua. Tôi đã
nói trong Chương 1 rằng trong một chừng mực nào đó tất cả chúng ta đều là
những triết gia, và rằng do vậy một vài nền triết học có thể sẽ rất gần gũi với
chúng ta. Và đây chính là một ví dụ - đến từ Hi Lạp cổ đại.
Xem trong Plato, Đối thoại mang sắc thái Socrates I, Nguyễn Văn Khoa dịch, NXB Tri thức, 2010.
Chỉ xin lưu ý một điều, trước khi chúng ta bắt đầu. Có một phương
pháp chuẩn để tra cứu những đoạn trong những văn bản của Plato, áp dụng
cho bất kì ấn bản và bản dịch nào mà bạn sử dụng. Cụ thể là nó trở về với
cách đánh số trang của ấn bản thời Phục hưng ấn hành năm 1578, được gọi
là cách đánh số của Stephanus (theo tên tiếng Latin của người biên tập,
Henri Estienne). Bất kì ấn bản hiện đại nào về tác phẩm của Plato cũng ghi
số trang theo cách đó, hoặc ở lề trang hoặc ở đầu trang. Tôi sẽ sử dụng cách
đó trong suốt chương này.
Trong khoảng trang đầu (43a-44b) là giới thiệu hiện trường cuộc đối
thoại. Crito gợi ý rằng anh ta đã được chấp nhận là bạn thân của giám ngục.
Socrates nói rằng ở tuổi ông thì không nên than vãn quá nhiều về việc phải
chết. Nhưng sau đó Crito mở màn chiến dịch thuyết phục. Anh ta bắt đầu -
như bất kì ai cũng có thể làm như vậy - bằng cách bảo với Socrates rằng các
bạn ông đã rất quý trọng ông như thế nào, và rồi ám chỉ rằng Socrates nên
quan tâm tới việc đáp trả lòng mến mộ đó: thanh danh của các bạn ông đang
lâm nguy - nếu ông ở lại trong nhà tù và chết thì mọi người sẽ nghĩ rằng các
bạn ông đã không sẵn sàng bỏ tiền ra mua lấy sự đào thoát cho ông.
Tới đây nhiều điểm rất khác biệt được nhanh chóng nêu lên (và một
nửa trong số chúng còn bỏ ngỏ - tập Crito không được viết như một bài
giảng có cấu trúc chặt chẽ, mà giống như một cuộc đàm thoại có thực).
Socrates đáp trả bằng cách nói rằng ta không nên bận tâm về điều ‘mọi
người’ nghĩ ra sao; ý kiến đáng để chúng ta lưu tâm là ý kiến của những
người hiểu biết, có quan điểm rõ ràng về những sự kiện. ‘Chúng ta không