những khổ lụy của kiếp người và đạt được ‘sự giác ngộ’; một người theo Ấn
giáo sẽ nói điều tương tự nhưng với những thuật ngữ hơi khác; cả hai sẽ nói
về sự thoát khỏi cái được cho là vòng tròn của sinh tử, ở đó những gì mà
một người đáng được hưởng hoặc đáng phải gánh chịu về mặt đạo đức sẽ
quyết định những dạng của cuộc đời trong tương lai của người đó. Một
người theo chủ thuyết Epicurus (nếu bạn còn có thể tìm thấy một người như
vậy ở thời này) sẽ gạt bỏ mọi thứ liên quan tới sự tái sinh, để cống hiến cho
bạn một công thức sống sao cho đạt được tối đa hoan lạc và chỉ phải chịu tối
thiểu khổ đau trong cuộc đời duy nhất mà bạn có được.
Không phải mọi triết lí đều nảy sinh từ nhu cầu về một cách ứng xử có
tính toàn diện trước lẽ tử sinh. Nhưng hầu hết các nền triết học tồn tại dài
lâu đều nảy sinh từ một động cơ cấp bách nào đó hoặc một niềm tin tưởng
sâu xa - tìm kiếm chân lí và minh triết thuần túy chỉ vì lợi ích của chúng có
thể là một ý tưởng hay, nhưng lịch sử gợi ra ý nghĩ rằng một ý tưởng hay
hầu như là tất cả những gì gọi là triết lí. Thế nên triết học cổ điển Ấn Độ
biểu trưng cho sự tranh giành uy thế tri thức giữa những trường phái Ấn
giáo, và giữa tất cả những trường phái đó với những trường phái Phật giáo;
cuộc chiến để có được sự cân bằng đáng ưa thích giữa lí trí con người và
mặc khải căn cứ trên kinh sách đã diễn ra trong nhiều nền văn hóa, và còn
diễn ra cho tới ngày nay trong một số nền văn hóa; lí thuyết chính trị nổi
tiếng của Thomas Hobbes cố gắng giảng dạy cho chúng ta những bài học mà
ông nghĩ là cần phải học trong hậu kì của cuộc Nội chiến Anh quốc;
Descartes và nhiều người cùng thời của ông lại chuộng những quan điểm
thời trung cổ, vốn bắt nguồn từ những tác phẩm của Plato gần hai ngàn năm
trước, để đứng sang một bên, dành chỗ cho một quan điểm hiện đại về khoa
học; Kant tìm cách thúc đẩy tính tự quản của cá nhân đối mặt với những thể
chế thiển cận và chuyên chế; Marx muốn giải phóng giai cấp công nhân khỏi
cảnh nghèo nàn và lao dịch; những nhà nữ quyền ở mọi thời đại muốn cải
thiện địa vị của phụ nữ. Không một ai trong số những người đó lại chỉ giải
quyết những vấn đề rối rắm nhỏ nhặt (dù đôi khi do gặp phải chúng trên
đường, họ cũng phải giải quyết chúng); họ bước vào cuộc tranh cãi với mục
đích thay đổi chiều hướng của nền văn minh.