Chương 6. HUSSERL – ÔNG TỔ VĂN
CHƯƠNG TRIẾT LÝ HIỆN TƯỢNG HỌC
Husserl (1859-1938) đã coi khoa hiện tượng học là một cái
nhìn cách mạng triệt để, chấm dứt thời kỳ ngây thơ của những
triết gia và khoa học gia đi trước ông. Ông thường gọi hiện tượng
học là Căn để chủ nghĩa (radicalisme), vì nó có chủ đích tìm hiểu
cho đến nguồn ngọn tri thức của con người dưới tất cả mọi hình
thức, từ hình thức thường nghiệm đến hình thức khoa học. Người
ta dễ nhận thấy trong các tác phẩm của ông hai thứ hiện tượng
học, một là hiện tượng học xét như phương pháp giúp xây dựng
những khoa học nhân bản, hai là hiện tượng học xét như là một
nền triết học mới, xây trên thái độ triệt để kia của ông. Tuy nhiên
đa số các học giả cho rằng phần triết học của Husserl hình như
còn bị bỏ dở dang, khi ông qua đời; nhất là phần chính của triết
học, tức hữu thể học chưa đọc thành hình rõ ràng, và tất nhiên
chưa được kiện toàn. Đàng khác, văn học sử thường chỉ chú
trọng đến phương pháp hiện tượng học của ông thôi, và coi đó là
phần đóng góp rất đáng kể của ông vào nền tư tưởng của nhân
loại.
Trong chương này, chúng ta cũng chỉ tìm hiểu hiện tượng học
xét như phương pháp để vén màn cho thấy con người hiện sinh
thôi; nói cách khác, trong những chương giới thiệu phong trào
hiện sinh, chúng ta chỉ nghiên cứu hiện tượng học xét như
phương pháp vạch trần và mô tả con người hiện sinh, không xét
đến những phần có liên can đến hiện tượng học xét như một triết
thuyết.